SỨC KHOẺ CỦA BẠN ĐƯỢC BIỂU HIỆN THÔNG QUA BỀ MẶT DA NHƯ THẾ NÀO?
Share this
Hướng dẫn - Kiến thức

SỨC KHOẺ CỦA BẠN ĐƯỢC BIỂU HIỆN THÔNG QUA BỀ MẶT DA NHƯ THẾ NÀO?

Bạn có nhớ lần gần đây nhất bạn bị ho, hay khi dạ dày của bạn không hài lòng về một thứ gì đó bạn vừa đưa vào cơ thể? Thường những vấn đề sức khoẻ đó rất dễ dàng để xác định và bạn cũng rất quen thuộc với việc nhận biết các triệu chứng đó, đặc biệt khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Mặc dù vậy, da, là cơ quan có diện tích bề mặt lớn nhất trên cơ thể, lại thường bị chúng ta bỏ qua vì những dấu hiệu cơ thể cố gửi cho chúng ta thường không dễ đọc như đối với các cơ quan khác.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, da của chúng ta thể hiện rất nhiều điều về sức khoẻ tổng quát của cơ thể. Da không chỉ là cơ quan lớn nhất, mà chúng còn khoẻ nhất và là cơ quan quan trọng nhất. Bất kỳ một căn bệnh nào bạn đang gặp phải đều có thể được phản chiếu trên bề mặt da của bạn.

Đây cũng là lí do nhiều bác sĩ da liễu khuyên rằng chúng ta nên ngay lập tức đến bệnh viện kiểm tra nếu trên da có vết thương không lành hoặc bạn nhận thấy có xuất hiện dấu hiệu đáng nghi ngờ, đặc biệt là đối với những ai trên 40 tuổi. Bạn cũng nên đi khám tổng quát định kỳ và kiểm tra toàn bộ cơ thể để các bác sĩ có thể kiểm tra chi tiết và đảm bảo rằng các vết thương trên da bạn không thực sự quá nghiêm trọng.

Dưới đây là danh sách một vài các dấu hiệu cho thấy rằng cơ thể bạn đang gặp phải vấn đề nào đó.

1. Mụn nội tiết là sự phản ánh cho các vấn đề của phụ nữ

Mụn nội tiết là một dấu hiệu nhận biết của hội chứng buồng trứng đa nang.

Cơ thể phụ nữ, ngoài việc phải chịu đựng các loại mụn thông thường như mụn đầu trắng, mụn viêm, mụn đầu đen,... chúng ta còn có một nỗi khổ khác mang tên mụn nội tiết. Loại mụn này được gây ra bởi sự mất cân bằng giữa hai loại hoóc môn: estrogen và testosterone trong cơ thể. Đối với phụ nữ từ 20 đến 50 tuổi, trong một chu kỳ bình thường, sẽ có một vài thời điểm tượng estrogen bị sụt giảm nghiêm trọng và testosterone tăng cao dẫn đến lượng bã nhờn hoạt động quá mức làm tắc lỗ chân lông gây ra mụn.

Nếu bạn đang gặp phải những nốt mụn trứng cá xung quanh xương hàm và chúng xuất hiện với tần suất vô cùng thường xuyên cho dù bạn có nỗ lực để chữa trị như thế nào đi chăng nữa, thì khả năng lớn nhất là bạn đang gặp vấn đề với mụn nội tiết, hay còn gọi là mụn do hoóc môn.

Trong một vài trường hợp, mụn nội tiết chưa hẳn là vấn đề nghiêm trọng nhất, bởi vì nó còn cho thấy mức độ và khả năng bạn gặp phải những vấn đề về mất bằng nội tiết bên trong cơ thể. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mất cân bằng ở mức độ thường xuyên là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Nhờ thông qua biểu hiện của mụn nội tiết trên da, bác sĩ có thể chẩn đoán ban đầu rằng bạn đang có nhiều khả năng mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang. Từ đó, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện một số siêu âm, xét nghiệm liên quan để có thể dễ dàng đi đến kết luận cuối cùng.

PCOS còn liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề về sức khoẻ khác như chứng thừa cân nặng, tăng trylyceride máu, kháng insulin và các vấn đề về sinh sản. Vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào khiến bạn nghi ngờ rằng nội tiết trong cơ thể bị mất cân bằng, hãy đến gặp bác sĩ và trao đổi cụ thể.

2. Nguy cơ mắc bệnh tim khi da xuất hiện nhiều mảng đỏ, vảy

Nếu bạn từng mắc phải bệnh vẩy nến, thì bạn hiểu những mảng vảy này gây khó chịu và bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày như thế nào. Theo bác sĩ Shainhouse, những mảng đỏ, vảy, ngứa liên tục xuất hiện trên da đầu, khuỷu tay và đầu gối có thể là dấu hiệu cảnh báo của các chứng viêm nhiễm bên trong khác. Chúng có thể liên quan đến bệnh viêm khớp vẩy nến hoặc chúng cũng có thể là biểu hiện của nguy cơ mắc bệnh tim.

Nếu bạn gặp phải những dấu hiệu kể trên, hãy kiểm soát cân nặng một cách tối đa và ngưng hút thuốc ngay lập tức (nếu bạn là người hút thuốc) để giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Một khi cơ thể bạn bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu trên, ngay lập tức bạn hãy đến trung tâm y tế và thực hiện các kiểm tra về tình trạng sức khoẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần quan tâm đến chế độ ăn hàng ngày sao cho đầy đủ dinh dưỡng, thực hiện các bài tập thể dục, vận động thích hợp, hạn chế làm việc ở các khung giờ trái ngược với quá trình trao đổi chất của cơ thể để bạn có thể sở hữu một cuộc sống chất lượng, đảm bảo sức khoẻ.

3. Các mảng da tối màu trên cổ có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thư

Bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xuất hiện trên cơ thể đều có thể dẫn đến một tình huống đáng sợ hơn sau đó. Nếu bạn nhận thấy điều gì đó kì lạ, hãy đi kiểm tra ngay lập tức để đảm bảo rằng đó không phải là dấu hiệu của một căn bệnh chưa được phát hiện trong cơ thể bạn. Theo bác sĩ Waibel, nhiều mảng tối trên lưng và vòng quanh cổ, hay còn được gọi dưới tên là acanthosis nigrican, có thể là dấu hiệu cảnh báo của khối u ung thư nội tạng, chẳng hạn như dạ dày hoặc gan, ung thư ruột và thường chúng có liên quan đến kháng insulin, tiểu đường, chậm tuyến giáp, và nhiều hơn nữa.

Acanthosis nigrican trên vùng da cổ.

Acanthosis nigricans có thể bước đầu được nhận biết bằng cách phát hiện các vùng da dày, thô ráp, trong các nếp gấp và nếp nhăn của cơ thể. Thông thường, acanthosis nigricans sẽ xuất hiện như một trạng thái tự nhiên của làn da (lành tính). Nhưng nếu chúng tái diễn thường xuyên hơn, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang có khả năng cao gặp phải rắc rối với chứng kháng insulin hoặc béo phì (ác tính). Hiện nay, không có phác đồ điều trị cụ thể nào cho acanthosis nigricans, và chứng này cũng không gây nguy hiểm đến tính mạng - nhưng nhận biết sớm và bắt đầu can thiệp điều trị các chứng bệnh liên quan như bệnh tiểu đường và béo phì, bạn có thể gián tiếp tác động lên các vùng da này giúp cho da mờ dần.

4. Các đốm nhỏ trên khu vực khớp có thể báo hiệu bạn bị dị ứng với gluten

Các thực phẩm có chứa gluten thường gặp.

Trong khi celiac (chứng rối loạn tiêu hoá khiến cho cơ thể không hấp thụ chất béo được) là một căn bệnh nghiêm trọng đòi hỏi sự chú ý đến từng chi tiết trong chế độ ăn uống và lối sống của bạn, một phần lớn trong cộng đồng chúng ta vẫn phải chịu đựng các phản ứng bất lợi của cơ thể đối với gluten.

Gluten thực chất là một họ các protein được tìm thấy trong ngũ cốc, lúa mì, lúa mạch đen, lúa mì spenta và lúa mạch. Trong số các loại hạt chứa gluten, cho đến nay, lúa mì được chứng minh là loại ngũ cốc được tiêu thụ nhiều nhất. Khi bột được hoà với nước, các protein gluten hình thành nên một mạng lưới chất dẻo kết dính có độ đặc giống như keo, tạo ra kết cấu mềm, xốp, dai trong các loại thực phẩm được chế biến từ ngũ cốc (điển hình nhất là các loại bánh mì được làm từ bột mì.)

Gluten có nhiều tác hại đối với sức khoẻ, nghiêm trọng nhất là ở các bệnh nhân mắc phải chứng celiac. Bệnh nhân bị mẫn cảm với gluten không gặp nhiều phản ứng quá mức nghiêm trọng như ở chứng celiac, nhưng chúng cũng khiến cơ thể bạn xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu đi kèm như: tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, đầy hơi, thậm chí trầm cảm.

Nếu bạn không chắc chắn liệu thói quen ăn bánh mì, sandwich hay bagels của bạn có ảnh hưởng xấu gì đến cơ thể bạn hay không, vì một số triệu chứng không quá rõ ràng hay dễ dàng để bạn kết luận (như mệt mỏi, trầm cảm), hãy nhìn vào vùng da chỗ các khớp của bạn - đặc biệt là đầu gối và khuỷu tay. Nếu bạn phát hiện nhiều chấm đỏ nhỏ li ti thì đây là một tình trạng viêm dạ có tên gọi là bệnh viêm da herpetiformis. Hoặc chúng cho thấy bạn đang mắc phải một khả năng khác là bạn bị mẫn cảm với gluten.

Một số dấu hiệu nhận biết khác của chứng mẫn cảm với gluten.

5. Các mảng rụng tóc có thể là dấu hiệu của bệnh hệ miễn dịch

Nếu bạn đang sở hữu một mái tóc dài, có thể thường sau khi xả nước gội đầu, bạn sẽ nhận thấy tóc mình bị rụng khoảng một nắm nhỏ. Rụng tóc thông thường chỉ là một hiện tượng cho thấy các sợi tóc và chân tóc đang phát triển một cách bình thường, khoẻ mạnh. Tuy nhiên, nếu các mảng tóc rụng trên da đầu tròn, rời rạc, thì đã đến lúc bạn nên đi gặp bác sĩ. Rất có khả năng bạn đang gặp phải một chứng bệnh liên quan đến tự miễn dịch, có tên gọi là alopecia areata.

Cơ chế của bệnh này khiến cho cơ thể tự tấn công các nang tóc của mình, khiến cho nang tóc bị viêm, chân tóc bị nới lỏng và rụng. Có thể bạn chỉ gặp phải hiện tượng này duy nhất một lần trong đời và nó có tác động khá nhẹ nhàng, nhưng cũng có trường hợp chúng tái diễn và nhân rộng lượng tóc rụng. Một vài nghiên cứu cho thấy có tới 17% số người mắc chứng alopecia areata đang mắc phải tình trạng tự miễn dịch lần hai, và thường được biểu hiện cụ thể hơn thông qua các bệnh về tuyến giáp hay bệnh bạch biến.

Dấu hiệu nhận biết alopecia areata.

Bệnh nhân bị Alopecia areata thường sẽ được điều trị đồng thời bằng cách điều hoà hệ miễn dịch chung và điều trị miễn dịch tại chỗ. Điều trị có hiệu quả tốt nhất ở các trường hợp rụng tóc vừa phải và không có hiệu quả trong các trường hợp rụng tóc hoàn toàn. Các nang tóc chưa bị phá huỷ ở các bệnh nhân bị Alopecia areata và khả năng mọc tóc lại sau điều trị là vẫn có.

Theo kinh nghiệm của nhiều bác sĩ cho thấy đối với các trường hợp tóc rụng không quá một nửa toàn bộ da đầu và thời gian rụng không quá 2 năm, việc điều trị thường cho kết quả tốt. Chính vì vậy, việc phát hiện để can thiệp điều trị chứng Alopecia areata cần được tiến hành càng sớm càng tốt một khi bạn để ý thấy các dấu hiệu này bắt đầu xuất hiện trên cơ thể bạn.