Uống 1 ly cà phê có làm tăng huyết áp như mọi người thường nói?
Share this
Chăm sóc sức khỏe

Uống 1 ly cà phê có làm tăng huyết áp như mọi người thường nói?

Nếu bạn đã từng một lần uống cà phê, chắc hẳn bạn đã quen thuộc với cảm giác “say” sau một vài ngụm đầu tiên. Khi bạn bắt đầu say, thì mùi hương của cà phê thậm chí cũng có thể khiến bạn trở nên bồn chồn, lâng lâng. Tuy nhiên, có nhiều tranh luận diễn ra nhằm trả lời cho câu hỏi, uống cà phê liệu có thực sự tốt cho sức khoẻ hơn những tác hại mà cà phê có thể mang đến cho cơ thể của chúng ta hay không, đặc biệt là về tác động của loại thức uống này đối với huyết áp và sức khỏe của tim.

Cà phê là một trong những tên tuổi hàng đầu giữa các loại thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Trên thực tế, mỗi năm, toàn thế giới tiêu thụ đến 19 tỷ pounds (~8.6 tỷ kg) cà phê thô mỗi năm. Bài viết này sẽ phần nào giải đáp cho bạn thắc mắc về việc cà phê có ảnh hưởng đến huyết áp của bạn hay không - và liệu bạn có nên xem xét lại thói quen uống cà phê hàng ngày của bản thân nữa.

1. Cà phê có khả năng tác động tạm thời đến huyết áp

Khoa học đã chứng minh rằng cà phê có nhiều tác động đến sinh lý cơ thể vượt xa tác dụng giúp tỉnh táo cho đầu óc của chúng ta. Một trong những tác động có thể kể đến là việc làm tăng huyết áp tạm thời ngay sau khi tiêu thụ cà phê.Một đánh giá dựa trên 34 nghiên cứu từng được thực hiện cho thấy 200–300 mg caffeine từ cà phê - xấp xỉ lượng cà phê bạn tiêu thụ là khoảng 1,5 đến 2 cốc - khi đi vào cơ thể có khả năng làm tăng đến trung bình 8 mmHg huyết áp tâm thu và 6 mmHg huyết áp tâm trương.

Tăng huyết áp có thể xảy ra sau khi uống cà phê nhưng đây chỉ là một hiện tượng tạm thời kéo dài không quá vài giờ đồng hồ sau khi uống.

Hiệu ứng này đã được quan sát trong tối đa ba giờ sau khi tiêu thụ, và kết quả tương tự ở những người có huyết áp bình thường ở mức cơ bản và những người bị huyết áp cao trước đó. Tuy nhiên, thật thú vị, việc tiêu thụ cà phê thường xuyên không gây ra tác động tương tự đối với huyết áp - điều này có thể được giải thích là do cơ thể bạn bắt đầu làm quen dần với sự dung nạp caffeine khi bạn hình thành một thói quen uống cà phê đều đặn mỗi ngày.Dựa trên dữ liệu này, chúng ta có thể kết luận rằng huyết áp có thể bị tăng nhẹ đến trung bình, hiện tượng này xảy ra sau khi uống một tách cà phê - đặc biệt đối với những ai không thường xuyên uống cà phê.

2. Những tác động tiềm ẩn lên sức khoẻ trong thời gian dài hơn

Hiện tượng tăng huyết áp tạm thời (hay chúng ta thường gọi là những cơn say cà phê) sẽ không kéo dài vượt quá 3-4h sau khi bạn nạp vào cơ thể một cốc cà phê. Vì vậy, đây không phải là một yếu tố quá nghiêm trọng về sức khoẻ để chúng ta bắt đầu trở nên lo lắng về việc uống cà phê mỗi ngày. Đối với những người bị huyết áp cao, nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng tiêu thụ cà phê hàng ngày dường như không có tác động đáng kể đến huyết áp hoặc nguy cơ mắc bệnh tim nói chung.

Cà phê có nhiều lợi ích về mặt sức khoẻ đã được khoa học chứng minh.

Trong khi đó, thực tế, cà phê cung cấp cho chúng ta nhiều lợi ích về mặt sức khoẻ. Cà phê chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học được biết là có tác dụng chống oxy hóa mạnh và có thể làm giảm áp lực oxy hóa trong cơ thể bạn. Đối với những người khỏe mạnh khác, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng uống 3 cốc cà phê trong mỗi 5 ngày (hay nói cách khác là uống cách ngày) có liên quan đến kết quả của việc giảm 15% nguy cơ mắc bệnh tim và giảm nguy cơ tử vong sớm.Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng lợi ích sức khỏe của cà phê có thể vượt trội hơn bất kỳ tác động tiêu cực tiềm tàng nào mà caffeine có thể có đối với những người uống nó thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về việc cà phê ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào trong dài hạn. Cho đến nay, thức uống phổ biến này tạm thời được xem như là hoàn toàn an toàn cho chúng ta, và thậm chí có thể là một thói quen hữu ích cần có.

3. Bạn có nên uống cà phê khi đã mắc phải bệnh cao huyết áp

Đối với hầu hết mọi người, tiêu thụ cà phê vừa phải dường như không có ảnh hưởng đáng kể đến huyết áp hoặc nguy cơ mắc bệnh tim - ngay cả khi trước đây bạn đã được chẩn đoán bị huyết áp cao. Trong thực tế, điều này có thể đúng. Một số hợp chất hoạt tính sinh học có trong cà phê có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm áp lực oxy hóa cho cơ thể và kháng viêm.Mặc dù vậy, việc tiếp xúc quá nhiều với caffeine là không nên, đặc biệt nếu bạn đã bị huyết áp cao. Chính vì thế, bạn cần phải kiểm soát tốt lượng cà phê bạn uống trong một khoảng thời gian nhất định và không lạm dụng thức uống này vì bất kỳ mục đích gì. Nếu bạn không uống cà phê thường xuyên, có lẽ lựa chọn tốt nhất dành cho bạn là đợi cho đến khi huyết áp được kiểm soát trước khi bổ sung tên đồ uống này vào danh sách thói quen ăn uống của bản thân, vì nó có thể làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn do cơ thể bạn chưa quen với việc dung nạp caffeine.

Hãy nhớ rằng ăn hoặc uống quá nhiều bất cứ thứ gì cũng có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe - cà phê cũng không ngoại lệ. Không gì quan trọng hơn việc bạn phải để tâm đến chuyện giữ cân bằng trong lối sống và duy trì thói quen ăn uống đa dạng, phù hợp cũng như khoẻ mạnh. Điều này quan trọng hơn việc bạn lựa chọn ăn hay không ăn (uống hay không uống) một nhóm thực phẩm nào đó nhất định.

Đa dạng thực phẩm và kiểm soát chế độ ăn ở một lượng phù hợp quan trọng hơn việc đắn đo nên ăn hay không nên ăn một loại thực phẩm nào.

Hoạt động thể chất thường xuyên kết hợp với chế độ ăn nhiều trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt vẫn là một trong những cách tốt nhất để thúc đẩy huyết áp và sức khỏe của tim khỏe mạnh. Tập trung vào các loại hoạt động lành mạnh này khiến cho việc sử dụng năng lượng của cơ thể bạn tốt hơn là việc bạn quá mức quan tâm đến lượng cà phê tiêu thụ mỗi ngày.

4. Một số lợi ích về sức khoẻ của cà phê

Cà phê có thể giúp tăng năng lượng và làm bạn thông minh hơn

Cà phê giúp bạn bớt mệt mỏi và tăng mức độ năng lượng vì trong cà phê có chứa cafein một loại chất truyền dẫn kích thích ức chế thần kinh trong não, giúp hưng phấn não bộ. Chất này giúp cải thiện tâm trạng, bộ nhớ, sự cảnh giác, tốc độ phản ứng và các chức năng khác của não bộ.

Tác dụng được biết đến nhiều nhất của cà phê là duy trì sự tỉnh táo và hưng phấn tinh thần, điều này đặc biệt tốt cho công việc.

Cà phê giúp đốt cháy mỡ thừa

Cafein là chất thường thấy trong tất cả các thực phẩm giảm cân, bởi vì nó là một trong số ít những chất có khả năng hỗ trợ đốt cháy chất béo. Theo một số nghiên cứu khác, caffeine có thể giúp tăng tỉ lệ trao đổi chất thêm 3 – 11% và tốc độ đốt cháy mỡ thừa thêm 10% ở người béo và 29% ở người gầy. Tuy nhiên hiệu quả sẽ giảm đối với người uống cà phê trong thời gian dài.

Cafein giúp cải thiện hoạt động thể chất

Cafein kích thích hệ thần kinh, khiến hệ này phát tín hiệu đốt cháy tế bào mỡ, nhưng nó cũng làm tăng nồng độ Adrenaline trong máu.  Đây là loại hóc môn giúp cơ thể thực hiện các hoạt động thể chất cường độ mạnh. Vì thế, uống cà phê có thể cải thiện hoạt động thể chất trung bình 11 – 12%. Sẽ rất tốt nếu uống một cốc cà phê đặc 30 phút trước giờ tập thể hình.

Cà phê giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp II

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một bệnh phổ biến hiện nay, có khoảng 300 triệu người trên thế giới bị mắc bệnh này. Bệnh tiểu đường tuýp 2 xuất hiện khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc nếu cơ thể không đáp ứng với insulin như bình thường. Những người uống cà phê có nguy cơ mắc bệnh này thấp hơn từ 23% - 50% so với những người không uống cà phê. Theo thống kê từ 18 nghiên cứu với 457,922 cá nhân tham gia, uống cà phê mỗi ngày sẽ giảm 7% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.

Uống cà phê giúp giảm bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến và là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc mất trí nhớ. Bệnh này thường gặp ở những người trên 65 tuổi. Không may là không có cách nào để chữa khỏi bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh này bằng việc uống cà phê mỗi ngày. Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng uống cà phê giúp giảm 65% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

5. Kết luận

Cà phê là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất thế giới, nhưng ngày càng có nhiều tuyên bố mang tính đổ lỗi cho cà phê trong việc gây ra huyết áp cao. Nghiên cứu đã được thực hiện trong quá khứ chỉ ra rằng cà phê có thể dẫn đến tăng huyết áp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, lại không có mối liên hệ lâu dài với tăng huyết áp hoặc nguy cơ mắc bệnh tim đã được tìm thấy ở những người uống nó thường xuyên.Thay vào đó, cà phê có thể thúc đẩy sức khỏe của tim do hàm lượng chất chống oxy hóa cao.Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn, uống cà phê điều độ có thể được xem thói quen an toàn cho hầu hết mọi người.

Cà phê có nhiều tác dụng tuyệt vời nhưng bạn không nhất thiết phải đưa loại thức uống này vào thói quen hằng ngày, vì chúng ta có thể thay thế bằng các loại thực phẩm khác có thành phần tương đương.

Đối với những ai đã có một thói quen uống cà phê đều đặn (một lượng vừa phải có kiểm soát mỗi ngày), bạn không cần phải quá lo lắng vì những nỗ lực tìm ra sự liên quan về mặt khoa học giữa cà phê và bệnh tim vẫn chưa có một kết quả rõ ràng, cụ thể nào cả. Nếu bạn chưa quen thuộc với cà phê, thì việc có lựa chọn uống hay không tuỳ thuộc vào khẩu vị và sở thích của cá nhân bạn. Chúng tôi không khuyến khích bạn bắt đầu uống cà phê vì có nhiều yếu tố khác mang tính cá nhân có thể chi phối quyết định của bạn, và mặc dù cà phê có một số lợi ích nhất định đối với sức khoẻ, bạn vẫn có thể tận dụng được những lợi ích tương tự ở các loại thực phẩm khác. Vì vậy, cà phê an toàn, tốt cho sức khoẻ, nhưng không nhất định là một đồ uống thiết yếu cho cơ thể của chúng ta.


.