Truy tìm sự thật về thứ nước kiềm "thần thánh" được đồn thổi có thể trị ung thư
Share this

Truy tìm sự thật về thứ nước kiềm "thần thánh" được đồn thổi có thể trị ung thư

Trên thị trường nước uống tại Việt Nam gần đây mới xuất hiện một khái niệm mới được gọi là “nước kiềm tính alkaline”. Vậy nước alkaline là gì? Và đặc tính của loại nước này như thế nào mà chúng luôn được quảng cáo kèm theo các cụm từ “chống ung thư”, “chữa bệnh dạ dày” và vô số các tuyên bố về khả năng “thần thánh” khác? Hãy cùng tìm hiểu về nước alkaline và đặc tính của nước alkaline trước khi đi trả lời câu hỏi về mức độ tin cậy của các quảng cáo bạn nhé.

1. Nước alkaline là gì?

Thang đo độ pH và độ pH của một số vật chất thường gặp.Thuật ngữ nước kiềm alkaline là thuật ngữ được dùng cho mức độ pH của loại nước đó.

Độ pH là một thang đo với các mức từ 0 đến 14, trong đó được chia ra làm 3 môi trường chính: môi trường acid (pH thấp hơn 7), môi trường trung tính (pH=7) và môi trường kiềm (pH lớn hơn 7). Chỉ số pH càng lớn thì vật chất sẽ có tính kiềm cao hơn và chỉ số pH càng nhỏ thì vật chất sẽ tăng dần tính acid. Giấm ăn, nước chanh, nước cam, nước bưởi,…có tính acid. Bột nổi, nước tro tàu mua ngoài chợ có tính kiềm.Nước siêu tinh khiết có pH = 7, nên là nước trung tính. Nước này không dẫn điện. Nhưng nước trong đời thường không thuộc loại siêu. Nước thủy cục chẳng hạn, lấy từ nước sông, suối, nước ngầm thường lẫn nhiều loại tạp, trong đó có lẫn nhiều loại khoáng ở dạng ion, làm nước không còn trung tính nữa, mà có tính kiềm nhẹ. Nước mà chúng ta uống hàng ngày được lọc từ những nguồn nước này, do đó có tính kiềm nhẹ, rất nhẹ. Nước uống thông thường của chúng ta có độ pH rơi vào khoảng tầm 7.5. Đối với nước alkaline, độ pH thường gặp xấp xỉ ở khoảng 8 đến 9, có nghĩa là nước alkaline có môi trường tính kiềm.

Theo một vài các công bố trước đây, môi trường acid thường tạo ra nhiều chất độc hại và nuôi dưỡng các tác nhân không tốt cho sức khoẻ nhiều hơn là môi trường kiềm. Nhiều chuyên gia cũng tin rằng đồ ăn hay thức uống có tính acid thường có liên hệ với nguy cơ phát triển tế bào ung thư bên trong cơ thể. Thậm chí, thức ăn có tính acid cao còn được nhận định là có khả năng nuôi dưỡng tế bào ung thư phát triển và lan rộng. Chính vì niềm tin này, có nhiều thông tin lan truyền cho rằng việc ăn uống hàng ngày khiến cho cơ thể bị nhiễm acid. Vì thế phải uống nước ion kiềm vào để kiềm hoá cơ thể, cân bằng môi trường pH cho máu, cho tế bào đó phòng chống ung thư.

Vậy thông tin này có đúng hay không? Chúng ta cùng lướt qua một số các tác hại cũng như là lợi ích mà nước kiềm mang lại nhé.

2. Mối liên hệ giữa nước kiềm alkaline và ung thư

Như đã đề cập ở trên, rất nhiều người tin rằng môi trường acid là một môi trường nuôi dưỡng tế bào độc hại, tế bào ung thư, và môi trường này có thể dễ dàng bị thay đổi về mặt bản chất thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Giả thuyết này tuyên bố, nếu chúng ta uống nước alkaline, thì môi trường bên trong cơ thể sẽ được đưa về mức cân bằng, hoặc mang tính kiềm nhiều hơn, nhờ đó, chúng ta có thể giết chết tế bào ung thư thông qua việc “bỏ đói” chúng.

Cũng chính nhờ nước kiềm có khả năng thay đổi môi trường bên trong cơ thể chúng ta, quá trình lão hoá, ung thư, bệnh tật sẽ bị bỏ lại sau lưng.Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải giống như những điều mà giả thuyết trên đề cập. Cơ thể chúng ta có cơ chế tự cân bằng tính acid-bazơ, cho dù bạn có ăn hay uống thức ăn mang tính chất gì đi chăng nữa, cơ chế này vẫn sẽ tự làm cân bằng môi trường đo được trong máu.

Nước kiềm được quảng cáo rộng rãi rằng có khả năng ngăn ngừa và chống ung thư.

Nếu sau khi ăn thức ăn chứa tính kiềm cao hoặc tính acid cao, trong một khoảng thời gian ngắn, cơ thể bạn sẽ gặp phải tình trạng lệch thước đo pH một chút. Nhưng điều này chỉ xảy ra tạm thời và sẽ hoàn toàn bình thường trở lại trong một vài giờ sau đó.Tương tự như khi bạn đồ ngọt, cơm gạo bánh mì thì lượng đường glucose trong máu tăng, sau đó sẽ tự điều chỉnh mức glucose trở lại bình thường. Thử đường máu, hay lipid máu phải thử lúc đói là vậy. pH của máu phải ở mức cố định, chỉ được phép dao động ở phạm vi rất hẹp, nghiêm ngặt hơn nhiều so với độ lên xuống của cả đường máu và mỡ máu.

Máu có tính kiềm rất, rất nhẹ. Bất cứ dao động nào của pH máu, lên hay xuống dù một chút cũng phải được điều chỉnh ngay, nếu không sức khỏe gặp phải nhiều nguy cơ bất ổn. Thận là một trong những cơ quan thực hiện việc điều chỉnh này. Đó là chưa kể trong máu còn có sẵn hệ đệm (buffering) để điều chỉnh pH ngay tức thời.Do đó không có chuyện uống nước ion kiềm thì máu sẽ kiềm, tế bào sẽ kiềm, mô sẽ kiềm để phòng chống bệnh.

3. Các bằng chứng khoa học bạn cần tham khảo

Các mô ở khối u có tính acid hơn các mô khác thì điều này có thể đúng, vì tế bào ung thư tăng sinh rất nhanh và hỗn loạn nhưng không đủ oxy để "thở", nên phải thích nghi chuyển một phần tế bào sang hô hấp kỵ khí. Quá trình hô hấp này phát sinh ra acid lactic, nên mô ở khối u có tính acid hơn. Tuy nhiên, đây là hậu quả do ung thư gây ra, chứ không phải mô có tính acid gây ra ung thư.

Dạ dày có tính acid, da có tính acid…, không có nghĩa là dạ dày và da dễ bị ung thư. Do đó có kiềm hóa cơ thể hay không cũng chẳng liên quan gì đến rủi ro gây ra ung thư, hay làm khối u không tăng trưởng nữa.

Môi trường acid có trong các mô khối u là kết quả của ung thư chứ không phải điều kiện tạo ra tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào xác nhận nước ion kiềm có thể làm giảm rủi ro ung thư hay chữa được ung thư. Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) không đưa ra khuyến cáo nên sử dụng nước uống loại này.Ngoài ra, trước khi cân nhắc vấn đề thay thế nước lọc hàng ngày bằng nước alkaline, bạn cần nên biết thêm một điều nữa, đó là tác hại của việc sử dụng quá nhiều kiềm gây mất cân bằng hệ tiêu hoá, và từ đó dẫn đến nhiều tác hại khác liên quan đến dạ dày cũng như đường ruột.

Năm 2011, tổ chức sức khoẻ thế giới WHO đã cập nhật công bố tài liệu hướng dẫn về chất lượng nước uống. Trong tài liệu hướng dẫn này, WHO không hề đề cập đến vấn đề độ pH nước có bất kỳ liên quan trực tiếp nào đến môi trường pH đối với sức khoẻ. Vì vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một bằng chứng khoa học nào ủng hộ cho giả thuyết nước kiềm có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư và chống lại bệnh ung thư.

4. Các rủi ro về sức khoẻ bạn có thể gặp phải khi sử dụng nước kiềm alkaline

Nước uống cần có độ cân bằng pH, đây là một điểm cực kỳ quan trọng bạn nên nhớ. Nếu nước có tính acid quá cao hoặc tính kiềm quá cao, về lâu dài, nó có khả năng gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của bạn.Cơ thể của bạn không được “thiết kế” để tiêu thụ nước kiềm thay cho nước cân bằng về pH. Nếu bạn lạm dụng, kiềm sẽ trung hoà acid hỗ trợ tiêu hoá bên trong dạ dày của bạn, và làm cho dạ dày mất khả năng tiêu hoá thức ăn, gây ra chứng khó tiêu, hoặc nặng hơn là loét dạ dày, hay rối loạn chức năng hấp thụ dinh dưỡng của hệ tiêu hoá.

Những rủi ro sức khoẻ khác bạn có thể gặp phải là khả năng cơ thể bạn trở nên dễ bị tổn thương hơn do sự phát triển bùng nổ của vi khuẩn và virus gây hại trú ẩn bên trong ruột non. Điều này cũng tạo nhiều áp lực lên quá trình tiêu thụ và hấp thụ dinh dưỡng cho cơ thể, gây ra mất cân bằng trong việc trao đổi chất, sinh trưởng và phát triển một cách khoẻ mạnh.

Sử dụng quá nhiều nước alkaline trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của hệ tiêu hoá.

Vì thận đảm nhiệm việc cân bằng pH tự nhiên bên trong cơ thể, nếu bạn uống quá nhiều nước kiềm, thận của bạn sẽ gặp vấn đề do những nỗ lực đưa pH trong cơ thể trở về mức cân bằng. Về lâu dài, bạn thực sự sẽ gặp nhiều rắc rối về sức khoẻ do bạn cố phá vỡ hệ sinh thái cân bằng tự nhiên của cơ thể thông qua việc đẩy lượng kiềm tiêu thụ lên một mức cơ thể không tự cân bằng lại được.Nếu bạn vẫn có ý định dùng nước kiềm alkaline, thì chúng tôi khuyên bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và trao đổi về các mong muốn của bản thân trước khi thực hiện chế độ này vì những rủi ro sức khoẻ bạn có thể gặp phải là rất cao.

Bên cạnh đó, nước kiềm còn tạo áp lực lên cho thận, dễ gây ra bệnh ở cơ quan này do áp lực trung hoà môi trường máu bên trong cơ thể.

5. Kết luận

Chữa trị ung thư là chạy đua với thời gian, không phải chuyện đùa để chúng ta tiêu tốn thời gian với nước uống ion kiềm. Nếu bị bệnh, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ điều trị, kể cả tuân thủ việc ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ.Ngay cả bệnh trào ngược dạ dày, cũng nên đến bác sĩ để được điều trị, chứ không phải tự chẩn đoán, rồi uống nước ion kiềm.

Nước ion kiềm, thực chất không phải chỉ có được từ các máy lọc nước uống ion kiềm, hay những chai nước ion kiềm quảng cáo công hiệu ầm ĩ. Nước khoáng thiên nhiên cũng là một loại nước kiềm ion, có mức kiềm nhẹ, và cũng chứa những khoáng có lợi.Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, không phải khoáng nhiều hay ion nhiều là có lợi, nhất là với những người có bệnh thận. Mức khoáng nhiều hay ít tùy loại chai có ghi trên nhãn qua chỉ số TDS (tổng chất rắn hòa tan). Nếu nước khoáng có TDS trên mức 500 ppm nên có ý kiến bác sĩ nếu uống thường xuyên.

Cơ thể con người là bộ máy điện giải. Thực phẩm lành mạnh rau, củ quả, hay thịt cá cung cấp dồi dào các khoáng calci, sodium, potassium, sắt, kẽm… Và cơ thể có thể tự điều chỉnh thích nghi.

Nói tóm lại, cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ nước kiềm ion đem lại lợi ích cho sức khỏe. Vì vậy, bạn cần phải chọn lựa, giữa y học hiện đại, và những quảng cáo, lập luận đánh lừa, để bán máy lọc nước ion kiềm điều trị bá bệnh.