GÒ MÁ ỬNG HỒNG: CÓ THỂ LÀ TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO SỨC KHOẺ CỦA BẠN ĐANG CÓ VẤN ĐỀ!

Một gương mặt với đôi gò má ửng hồng từ lâu đã được xem như là dấu hiệu của sức khoẻ tốt, đại diện cho nguồn sức sống của người phụ nữ. Nhưng nếu tình trạng đỏ mặt diễn ra quá thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của một hiện tượng bệnh lý tiềm ẩn.
Từ lâu, ánh hồng hào trên gò má là một điều luôn được khao khát về vẻ bề ngoài của các quý cô. Màu hồng này có được do sự mở rộng của các mạch máu li ti dưới da, cho phép một lượng máu được bơm vào nhiều hơn mức bình thường. Hiện tượng này được gây ra bởi thời tiết lạnh để làm ấm cho cơ thể, hoặc khi trời quá nóng, hay sau khi bạn tập thể dục. Khi bạn lo âu hay xấu hổ, sự ửng hồng này được gọi là đỏ mặt. Nhưng nếu tình trạng đỏ mặt diễn ra quá thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của một hiện tượng bệnh lý tiềm ẩn. Dưới đây là một số các triệu chứng gây đỏ mặt bạn cần theo dõi và gặp bác sĩ nếu cần thiết.
1. Chứng đỏ mặt Rosacea
Bệnh rosacea là một chứng bệnh da phổ biến gây đỏ ửng trên mặt và thường tạo ra những mảng không đều màu, thậm chí có mụn đỏ hay mụn nước. Các dấu hiệu nhận biết của rosacea dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá, hoặc các vấn đề về da khác. Nếu không được điều trị kịp thời, rosacea có thể tăng lên theo thời gian. Khi bị nặng, rosacea khiến cho các mạch máu dưới da nổi lên trên và có thể nhìn thấy dễ dàng.

Các dấu hiệu nhận biết thông thường bệnh rosacea:
● Mạch máu nổi lên dưới da
● Nhiều mụn nước đỏ có mủ trông giống mụn trứng cá
● Da bị nóng, khô, thô ráp
● Mí mắt sưng, đỏ
● Mũi bị sưng, phình to
Cách xử lý khi mắc phải rosacea
● Hạn chế các kích thích tối đa bằng cách tránh xa nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, không dùng các đồ uống có cồn hay thức ăn cay.
● Trước khi ra ngoài trời, bạn nên đảm bảo bôi đủ kem chống nắng quang phổ rộng có SPF từ 30 trở lên và đội thêm mũ rộng vành để che chắn da, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
● Rửa mặt bằng các loại sữa rửa mặt có tác động dịu nhẹ, rửa lại bằng nước vừa ấm, và vỗ nhẹ nhàng trên da mặt để da khô.
● Nếu màu đỏ làm bạn thấy quá khó chịu, bạn có thể xử lý tại chỗ bằng cách dùng che khuyết điểm màu xanh lá cây (green-tinted corrector) để làm cân bằng màu sắc.
● Các thuốc chữa rosacea thường gặp gồm có brimonidine gel và oxymetazoline cream. Hai loại thuốc bôi ngoài da này có tác dụng trong 12h nhưng để đạt được hiệu quả như mong muốn, bạn cần bôi liên tục mỗi ngày cho đến khi hết hẳn dấu hiệu của rosacea.
2. Mụn trứng cá
Mụn trứng cá là vấn đề về da phổ biến nhất. Tất cả chúng ta đều đã từng phải đối phó với mụn trứng cá ít nhất một lần trong đời ở độ tuổi dậy thì, có nhiều người còn phải chịu đựng mụn trứng cá dai dẳng dù đã trưởng thành.

Mụn trứng cá được gây ra bởi sự bít tắc ở lỗ chân lông. Tế bào da chết, bụi bẩn, dầu nhờn thừa, lớp trang điểm hàng ngày, nếu không được tẩy rửa sạch sẽ, sẽ bị tắc trong lỗ chân lông. Các mảnh vụn tạp chất này là môi trường hoàn hảo để vi khuẩn sinh sôi và nhân rộng một cách nhanh chóng, làm chỗ lỗ chân lông sưng lên, viêm, tích mủ. Nếu bạn bị quá nhiều mụn, hai bên gò má sẽ trở nên đỏ, rát, sưng rất khó chịu.
Có nhiều loại mụn khác nhau mà bạn có thể mắc phải:
● Mụn đầu đen (các đốm có màu đen, cứng, li ti trên da)
● Mụn đầu trắng (các đốm có màu trắng, cứng, li ti trên da)
● Mụn viêm (mụn sưng đỏ)
● Mụn mủ ( mụn sưng đỏ với đốm trắng ở phía trên)
● Mụn sưng lớn, gây sần cả một vùng da
Để giải quyết các loại mụn này, bạn nên bắt đầu với một chu trình chăm sóc da cơ bản tại nhà với các bước như sau:
● Rửa mặt nhẹ nhàng hai lần một ngày, sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ phù hợp với từng loại da của bạn. Không chà xát, di mạnh tay trên da vì bất kì kích ứng nào da gặp phải trong tình trạng đang bị mụn đều có thể khiến mụn trở nên tồi tệ hơn.
● Tránh xa các loại tẩy tế bào chết dạng hạt, máy rửa mặt, chất làm sạch có chứa cồn, toner, hay chất làm se lỗ chân lông (như nước hoa hồng).
● Không chạm tay lên mặt, không sờ các nốt mụn hay nặn mụn. Việc này có thể khiến cho bạn bị sẹo sâu hay thâm rất nặng sau khi khỏi mụn.
● Đảm bảo chống nắng cho da đầy đủ bằng các loại kem chống nắng phù hợp với da bạn (nếu da nhờn thì tránh các sản phẩm chứa dầu).
● Sử dụng hoạt chất trị mụn như benzoyl peroxide, AHA (alpha hydroxy acids - tẩy tế bào chết hoá học thích hợp nhất cho da khô) và BHA (beta hydroxy acids, điển hình là salicylic acid - tẩy tế bào chết hoá học thích hợp nhất cho da thường đến da dầu).
Nếu những nỗ lực xử lý mụn tại nhà của bạn không có hiệu quả, bạn nên đi gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán tình trạng da cụ thể. Các loại thuốc trị mụn dựa trên cơ chế làm hạn chế lượng dầu thừa sản sinh bởi tuyến nhờn, chống lại vi khuẩn gây mụn, và kháng viêm cho da. Một số các thành phần trị mụn thường được bác sĩ kê đơn bao gồm:
● Retinoids, thuốc kháng sinh dạng bôi, hay salicylic acid ở nồng độ cao.
● Các loại thuốc uống như thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai, thuốc kháng androgen (chống lại hoóc môn nam trong cơ thể), thuốc isotretinoin...
Bạn nên nhớ tất cả những phương án điều trị này đều cần có lời khuyên của bác sĩ, không nên tự ý thực hiện tại nhà vì bạn không lường trước được hết tác động của các loại thuốc kể trên.

Một số các phương thức điều trị mụn bạn cũng có thể gặp ở các cơ sở y tế hoặc các cơ sở chăm sóc da được cấp phép gồm có:
● Điều trị da bằng laser hoặc bằng ánh sáng.
● Lột da hoá học (chemical peels).
● Tiêm steroid.
Mỗi phương pháp có cách thức thực hiện và cơ chế tác động lên da khác nhau nên bạn cần tham khảo ý kiến chuyên môn của cơ sở thực hiện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
3. Hội chứng hot flashes (nóng bừng) ở phụ nữ mang thai và phụ nữ tiền mãn kinh
Hot flashes thường gặp phải ở những phụ nữ có lượng estrogen sụt giảm trong cơ thể, thường thấy ở phụ nữ mang thai, phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
Khoảng 80% phụ nữ sẽ có trải nghiệm hot flashes, với cảm giác nóng đột ngột và bừng lên dữ dội kéo dài ở mặt, cổ, vai trong vòng năm phút. Hot flashes khiến cho da mặt đỏ bừng, sinh ra tâm lý bực tức và khó chịu.

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây nên hiện tượng hot flashes này ở phụ nữ. Nhiều phỏng đoán cho rằng lượng estrogen sụt giảm có thể gây ảnh hưởng đến vùng dưới đồi bên trong não bộ (vùng này được xem như là nhiệt kế của cơ thể người). Vùng dưới đồi bị đánh lừa và hiểu sai rằng nhiệt độ cơ thể đang quá cao, vì vậy nó bắt đầu phát tín hiệu để làm giãn mạch máu, giải phóng mồ hôi nhằm mục đích hạ nhiệt cho cơ thể. Đỏ mặt được gây ra trong quá trình giãn nở mạch máu.
Những dấu hiệu khi gặp phải hot flashes:
● Một cơn nóng đột ngột bốc lên bên trong cơ thể, nhất là ở vùng đầu, mặt.
● Tim đập nhanh.
● Đổ mồ hôi.
● Cơn ớn lạnh nhẹ khi cơn hot flashes đi qua.
Bạn cần làm gì để tránh tình trạng này xảy ra cho cơ thể?
Những kích ứng có thể gây nên hot flashes có thể được đoán trước, vì vậy bạn nên tránh những việc dưới đây có thể gây ra kích ứng để hạn chế hot flashes xuất hiện:
● Thời tiết quá nóng.
● Tắm nước nóng.
● Hút thuốc lá.
● Ăn thực phẩm cay, nóng.
● Sử dụng đồ uống có cồn hoặc caffeine.
Một số các liệu pháp khác trong lối sống hàng ngày có thể giúp bạn cải thiện hiện tượng nóng này là chế độ ăn nhiều rau xanh, hít thở sâu, tập luyện yoga hoặc massage cơ thể thường xuyên.
Nếu hot flashes diễn ra quá thường xuyên, bạn nên đến bệnh viện. Thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng các liệu trình hoóc môn (estrogen, hoặc combo estrogen – progesterone).
4. Phản ứng với một số loại đồ ăn
Một loại thức ăn quá mức cay hoặc nóng nào đó hoàn toàn có thể khiến cho mặt bạn trở nên đỏ bừng. Nếu bạn đi kèm với các triệu chứng toát mồ hôi, khó chịu dạ dày, thì bạn nên tránh xa các loại thực phẩm đó.

5. Phản ứng với đồ uống có cồn
Một phần ba dân số ở khu vực Đông Á thường có phản ứng đỏ mặt với đồ uống có cồn dù họ chỉ tiêu thụ một lượng rất nhỏ vào cơ thể. Bên cạnh đỏ mặt, đồ uống có cồn còn có thể gây ra các phản ứng sau: chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, tim đập nhanh, khó thở, thậm chí bị tụt huyết áp. Các triệu chứng này là dấu hiệu của bệnh không dung nạp được cồn trong cơ thể.

Chứng này gây ra bởi sự thiếu hụt enzyme ALDH2 là enzyme phân giải các phân tử cồn. Thiếu hụt ALDH2 cũng là nguy cơ gây ung thư thực quản. Trong trường hợp bạn biết chắc chắn sự thiếu hụt ALDH2 bên trong cơ thể, đừng bao giờ uống rượu và thực hiện tầm soát ung thư thực quản định kỳ.
6. Phản ứng với thuốc
Một số loại thuốc có thể gây phản ứng đỏ mặt: amyl nitrite, butyl nitrite, bromocriptine, vitamin B3, morphines,...
Đa phần hiện tượng đỏ mặt này được gây ra bởi histamine. Histamine là một chất hoá học được giải phóng dưới dạng phản ứng của hệ miễn dịch đối với thuốc. Khi bạn nhận thấy mình bị đỏ mặt sau lúc sử dụng thuốc, hãy trao đổi nghi ngờ này với bác sĩ để phát hiện nguyên nhân chính xác và thay thế bằng loại thuốc khác.

Khi nào thì bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra?
Nhiều tình trạng da có thể được xử lý tại chỗ ngay ở nhà, nhưng cũng có nhiều triệu chứng bạn nên gặp bác sĩ để được giải thích và tư vấn.
● Da bạn không phản ứng với các nỗ lực tự chữa trị tại nhà trong vòng vài tuần.
● Đỏ da gây cho bạn khó chịu.
● Bạn nổi quá nhiều mụn trứng cá.
● Bạn gặp phải các triệu chứng đi kèm khác như chóng mặt, buồn nôn, nôn ói...