PARABENS LÀ GÌ? TẤT-TẦN-TẬT NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ PARABENS

Parabens là một chất bảo quản cực kỳ phổ biến thường được tìm thấy trong rất nhiều mỹ phẩm chúng ta đang sử dụng: từ sữa rửa mặt, lotion, kem dưỡng ẩm, kem nền, phấn trang điểm, phấn má, cho tới son môi, mascara, và rất nhiều những sản phẩm chăm sóc tóc…
Thời gian gần đây, có một lượng thông tin được chia sẻ bùng nổ trên các phương tiện truyền thông, “buộc tội” parabens là một thành phần xấu có liên quan đến quá trình phát triển tế bào ung thư vú. Vậy parabens có thực sự gây hại hay tiềm tàng các nguy cơ cho sức khoẻ của bạn như những gì bạn đọc được hay không? Hãy cùng nhau kiểm chứng với chúng tôi qua bài viết dưới đây nhé.
Có nhất thiết phải tránh xa parabens một cách tuyệt đối?
Câu trả lời là không. Mặc dù có nhiều tin đồn gây tranh cãi xung quanh tác động của thành phần này đối với làn da, nhiều nghiên cứu được công bố từ các tổ chức quản lý mỹ phẩm trên toàn cầu đã chỉ ra rằng: parabens khi được sử dụng một lượng rất nhỏ trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, không gây rủi ro đáng kể nào cho sức khoẻ nên chúng không được liệt vào danh sách các chất bị cấm.
Theo các nghiên cứu này, parabens được chuyển hoá, phân giải hoàn toàn trước khi chúng đi vào trong máu. Vì vậy, khả năng parabens dẫn đến các nguy cơ phơi nhiễm khi có tiếp xúc với các hoạt chất estrogen hay làm đẩy mạnh các tác động của estrogen bên trong cơ thể dẫn đến phát triển tế bào ung thư vú là điều không thể.
Parabens tồn tại ở các dạng: butylparaben, ethylparaben, isobutylparaben, methylparaben, hoặc propylparaben. Trong một nghiên cứu năm 2004, parabens bị nhầm lẫn là có khả năng gây ra ung thư vú khi các chất chuyển hoá của chúng được tìm thấy trong các mẫu mô ung thư. Nghiên cứu này từng gây ra một sự hoảng loạn rộng lớn trong ngành làm đẹp nói chung ở thời điểm đó. Tuy nhiên, thực tế là, bản thân parabens không gây ung thư, mà các hình thức bị chuyển hoá parabens do nhiều nguyên nhân khác nhau mới chính là tác nhân có khả năng gây ung thư. Vì vậy, kết luận parabens gây hại là hoàn toàn không chính xác.
Trong cùng năm đó, P. Darbre, nhà khoa học tiến hành thực hiện nghiên cứu trên, đã công bố trên Tạp chí Độc học ứng dụng, phủ nhận tất cả liên quan của parabens đến quá trình phát triển tế bào ung thư như trong bài viết trước đó của ông. Công bố này của P. Darbre cũng bác bỏ hoàn toàn các bài báo không có cơ sở khoa học, và sự lợi dụng truyền thông để thuyết phục người tiêu dùng rằng parabens là một thành phần xấu gây hại. Nhiều nghiên cứu khác được thực hiện trước và sau đó cũng đã chỉ ra parabens được phân huỷ, chuyển hoá và bài tiết vô hại bởi cơ thể người.

Một sự thực khác mà bạn cần nên biết, rằng parabens thực chất là một phytoestrogen. Phytoestrogen đóng vai trò tương tự như estrogen tự nhiên được sản sinh trong cơ thể người (ở tế bào buồng trứng của nữ giới) và có hiệu ứng gần giống với hoóc môn estrogen (mặc dù tác dụng của phytoestrogen yếu ớt hơn estrogen tự nhiên). Một thử nghiệm được thực hiện cách đây không lâu đã chỉ ra rằng tác động của parabens còn yếu hơn gấp 10.000 lần so với tác động của các phytoestrogen có nguồn gốc từ thực vật được tìm thấy trong thực phẩm cũng như chiết xuất thành thuốc mà chúng ta uống hàng ngày (nổi tiếng nhất là evening primrose oil dưới cái tên Nội tiết tố nữ).
Bên cạnh tác động nhẹ nhàng, lượng parabens được sử dụng trong các sản phẩm dưỡng da là cực kỳ nhỏ. Nếu bạn e ngại về parabens nhưng lại cực kỳ yêu thích các sản phẩm chứa phytoestrogen và bạn công nhận tác dụng của phytoestrogen đối với cơ thể của mình thì, thật ra, về bản chất, hai thứ này là một. Vì vậy, bạn không cần phải quá lo lắng nữa.

Parabens và thành phần dưỡng da organic
Chúng ta thường có một nhầm lẫn rằng mọi thứ có nguồn gốc từ thực vật đều là lành tính và chỉ nghi ngờ về các thành phần tổng hợp (thường được ghi trên báo chí, truyền thông với cái tên sai là “hoá chất”, trong khi thực chất chúng là thành phần hoá học – mà thành phần hoá học là thứ cấu tạo nên tất cả mọi vật chất trên Trái đất này).
Nhiều nguyên nhân gây rối loạn nội tiết trong cơ thể người có nguồn gốc từ thực vật, trong trường hợp của cần sa là hình thức dùng trực tiếp, hoặc trong các loại thuốc như acetaminophen. Mặc dù các thương hiệu chăm sóc da organic/natural, luôn cố gắng để khiến cho người tiêu dùng tin tưởng rằng sản phẩm của họ không dùng parabens mà dùng một dẫn xuất khác tương tự là p-hydroxybenzoic acid (thường được tìm thấy trong quả mâm xôi).
Nhưng để tránh việc sử dụng parabens, các thương hiệu này còn phải dùng nhiều chất bảo quản tổng hợp hơn nữa để đảm bảo kết cấu sản phẩm được bảo quản tốt. Thành phần chất bảo quản này thực ra còn đáng sợ cho người tiêu dùng hơn bất kỳ loại parabens nào nhưng chúng ta ít khi để tâm đến chúng.

Các đánh gia an toàn trên toàn cầu về Parabens

Đứng trên phương diện khoa học, chúng tôi đã tổng hợp được một vài các nghiên cứu về tính an toàn của parabens chăm sóc da với mục đích tham khảo như sau:
● Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã kết luận, không có kết quả nghiên cứu nào cho tuyên bố rằng việc sử dụng parabens trong mỹ phẩm có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú của một cá nhân nào đó.
● Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phản đối tin đồn rằng parabens làm tăng hiệu ứng estrogen trong cơ thể gây ra ung thư vú. FDA cũng tuyên bố parabens an toàn để sử dụng trong mỹ phẩm dựa trên tất cả các nghiên cứu đã được thực hiện cho đến nay, vì vậy, người tiêu dùng không cần thiết phải lo ngại về việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa parabens.
● Uỷ ban khoa học về An toàn tiêu dùng: dựa trên tuyên bố chính thức của Liên minh Châu Âu EU về mức độ an toàn của parabens trong sản phẩm chăm sóc da, trang điểm, và các sản phẩm dùng cho cá nhân khác, cùng với bản dữ liệu tóm tắt các nghiên cứu dài hạn cũng như ngắn hạn, ủy ban này đưa ra quyết định rằng parabens là một thành phần an toàn.
● Bộ Y tế Canada cũng nhận định cho đến nay, không có bằng chứng nào thuyết phục cho giả thuyết parabens có khả năng gây ung thư vú.
● Hội đồng Đánh giá Sản phẩm chăm sóc cá nhân, một tổ chức của Mỹ chuyên đánh giá mức độ an toàn của các thành phần cấu thành những sản phẩm chăm sóc cá nhân đã thực hiện độc lập 265 nghiên cứu và được công bố minh bạch trên Tạp chí Độc học ứng dụng, xác nhận mức độ an toàn của parabens sử dụng ngoài da.

Nhiều nghiên cứu tổng hợp khác thậm chí còn bác bỏ tin đồn parabens là một chất bảo quản gây nhạy cảm được sử dụng trong mỹ phẩm. Các hợp chất bảo quản này trong thực tế đã trải qua bốn thập kỷ thử nghiệm rộng rãi trên da bởi nhiều tổ chức ở Bắc Mỹ và châu Âu. Ngày nay, parabens là chất duy nhất có đầy đủ các bằng chứng khoa học để có thể tuyên bố chất này ít nhạy cảm trong sử dụng một cách thương mại.
Trong khi đó, các nghiên cứu về mối tương quan giữa các nguy cơ sức khoẻ con người có thể gặp phải khi tiếp xúc với các chất hoá học ngoài da (trong trường hợp này là parabens) với hoạt động của hoóc môn trong cơ thể người vẫn chưa có bằng chứng cụ thể và chưa được chứng minh chắc chắn.
Kết luận
Parabens là một thành phần hoá học được tìm thấy trong tự nhiên. Có nhiều thương hiệu chăm sóc da natural/organic “kết tội” parabens như một thành phần nguy hiểm trong khi parabens có đầy đủ các bằng chứng về sự an toàn toàn diện, và thậm chí chất này còn được sản sinh tự nhiên trong rất nhiều rau củ, trái cây. Các loại thực phẩm như đậu nành, họ đậu, hạt lanh, quả anh đào, quả việt quất, cà rốt, dưa chuột,… là nhiều nguồn cung cấp parabens tự nhiên cũng như phytoestrogen. Phytoestrogen trong các loại thực phẩm này còn có tác động mạnh hơn gấp nhiều lần so với tác dụng của lượng parabens được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc và mỹ phẩm trang điểm thông thường.
Mặc dù thực tế là vậy, có thể bạn vẫn thường xuyên nhìn thấy thông tin ở đâu đó tuyên bố một cách cường điệu hoá rằng parabens gây hại cho sức khoẻ của bạn. Một số phương tiện truyền thông còn đưa tin là dưa chuột, đậu, các loại quả tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư vú cho bạn (chúng tôi không bàn đến thực phẩm biến đổi gen GMO).

Trên quy mô toàn cầu, parabens được minh chứng an toàn ở góc độ khoa học và y tế cho sử dụng ngoài da. Tuy nhiên, quyết định lựa chọn sản phẩm vẫn nằm ở bạn. Chỉ cần bạn nhớ một điều, lượng nhỏ parabens trong các sản phẩm bạn sử dụng hoàn toàn không có tác dụng tiêu cực, vì vậy, bạn không cần phải quá lo lắng về điều đó.