NHỮNG ĐIỀU CÁC MẸ NÊN CHÚ Ý KHI CHĂM SÓC DA CHO BÉ
Share this
Chăm sóc da

NHỮNG ĐIỀU CÁC MẸ NÊN CHÚ Ý KHI CHĂM SÓC DA CHO BÉ

Ai trong các bậc cha mẹ cũng đều muốn con mình có một làn da khoẻ mạnh. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc hình thành một thói quen chăm sóc da an toàn, lành tính, nhẹ nhàng cho da của bé.

Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều sản phẩm chăm sóc da cho trẻ em có chứa các thành phần kích ứng như mùi thơm, chất tạo màu, tinh dầu… Các thành phần này đều không tốt cho da, nhất là sử dụng về lâu dài. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, những kiến thức cung cấp dưới đây sẽ giúp bạn lựa chọn sản phẩm chăm sóc da cho trẻ em thông minh hơn, tránh tối đa các thành phần có khả năng gây hại cho bé yêu của bạn.

Bạn có nhận thấy đa phần sản phẩm chăm sóc da của con bạn đều có mùi hương?

Trẻ em rất thích những thứ có mùi hương nồng, đậm, thu hút.

Hầu hết các sản phẩm dành cho trẻ em đều có mùi đặc trưng để thu hút, làm trẻ thích thú khi sử dụng. Tuy nhiên, đối với các bậc phụ huynh, bạn cần phải tỉnh táo bỏ qua bao bì sặc sỡ, bắt mắt, và tập trung vào bảng thành phần được in trên nhãn. Dưới đây là một số tác nhân kích ứng phổ biến bạn sẽ thường gặp trong nhiều sản phẩm:

●     Hương liệu (fragrances): hương liệu được thêm vào sản phẩm, hoặc nước hoa (cả tổng hợp lẫn tự nhiên) đều không có lợi ích gì cho da và luôn gây ra nhiều vấn đề về da cho con bạn (cũng như bạn, nếu bạn tiếp xúc với những sản phẩm có chứa thành phần này trong lúc chăm sóc cho con). Nước hoa có thể gây kích ứng, nếu ở người lớn, chúng thường thể hiện lên trên bề mặt da, nhưng đối với trẻ em, đa phần kích ứng xảy ra bên dưới bề mặt, vì vậy rất khó để bạn có thể nhận biết bằng mắt thường các phản ứng của bé con đối với sản phẩm. Mặc dù vậy, thiệt hại về da vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu bạn so sánh giữa lợi ích chúng mang lại và rủi ro về thiệt hại bạn có thể phải đối mặt, thì tốt nhất bạn nên tránh xa các sản phẩm có mùi hương.

●     Tinh dầu (essential oils)chiết xuất thực vật có mùi thơm (fragrant plant extracts): có nhiều thành phần thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ của bạn, nhưng không phải tất cả mọi thứ từ thực vật đều tốt cho làn da bạn đâu. Da của trẻ em còn nhạy cảm gấp nhiều lần da của bạn. Trong khi đó, các tinh dầu và một số chiết xuất từ cam chanh quýt (citrus), bạc hà (peppermint), tinh dầu bạc hà (menthol), bạch đàn (eucalyptus), và hoa oải hương (lavender) là một số chất tiêu biểu có khả năng gây ửng đỏ, ngứa, viêm, thậm chí tổn thương khả năng tự chữa lành của làn da. Một điều đáng lo ngại là các thành phần này thường xuất hiện với tần suất chóng mặt trong các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ em và còn được các bậc phụ huynh ưa thích vì mùi hương có vẻ “tự nhiên” của chúng. Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là đừng chỉ nhìn vào phần nhãn ghi “dịu dàng cho da” (gentle) hoặc “không chứa mùi thơm” (fragrance-free) mà bạn cần phải nhìn vào thành phần trên nhãn để chắc chắn không có thành phần nào có khả năng gây tổn hại đến làn da rất mong manh của con bạn.

Essential oils có nguồn gốc từ thực vật nhưng không hề lành tính khi sử dụng trực tiếp lên da.

●     Các chất tạo màu (coloring agents): thường các chất này được thêm vào sản phẩm để gây hấp dẫn thị giác cho bạn và cho cả bé nữa. Dễ thấy nhất là các sản phẩm có màu hồng, màu xanh dương, màu tím lavender, hoặc màu vàng rất đáng yêu. Tuy vậy, dù sản phẩm trông có vẻ tuyệt vời, nhưng chất tạo màu hoàn toàn có thể là một vấn đề nghiêm trọng cho làn da mềm mại của bé cưng. Chưa kể đến, các bé đều có thói quen ngậm, mút ngón tay, khi các chất này đi vào hệ tiêu hoá, bạn sẽ gặp nhiều rắc rối hơn nữa. Chúng ta không cần thiết phải đánh đổi sức khoẻ của con mình để nhận lấy những điều dễ thương nho nhỏ, vì an toàn cho bé mới là thứ nên được bạn đặt lên hàng đầu.

Các chất tạo màu cho sản phầm, dù chúng được tuyên bố rằng lành tính và tự nhiên đến mức độ nào đi chăng nữa, thì cũng có khả năng gây hại cho da và sức khoẻ của bé nói chung.

Khi bạn đi mua sắm đồ cho bé, hãy tránh xa hết tất cả những thành phần được liệt kê ở bên trên. Ngày nay, có nhiều hãng dược mỹ phẩm nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới sản xuất các sản phẩm hoàn toàn không chứa các thành phần gây kích ứng kể trên. Việc của bạn là cần tìm hiểu thật kỹ và đầu tư vào những thứ chắc chắn không gây hại gì đến con bạn thay vì chỉ lựa chọn theo cảm tính vì làn da của bé luôn cần một sự quan tâm đặc biệt hơn.

Hướng dẫn chăm sóc da cơ bản cho bé

Một chu trình chăm sóc da cơ bản cho các bé nên bao gồm những bước sau:

●     Sữa tắm và dầu gội dịu nhẹ, không chứa mùi hương.

●     Những sản phẩm được tuyên bố trên bao bì là không gây cay mắt, chảy nước mắt (tear-free). Mặc dù điều này không đảm bảo chắc chắn là sản phẩm sẽ không có vấn đề với con bạn, tuy nhiên, nó cho thấy nhà sản xuất có quan tâm đến vấn đề này và sẽ có trách nhiệm với lời cam kết của mình.

●     Khăn giấy ướt không có mùi hương (fragrance-free baby wipes). Nếu như bé đang bị kích ứng bởi tã, các loại khăn ướt có mùi thơm sẽ khiến tình hình tệ hơn và thậm chí còn làm tổn thương đến khả năng tự lành của da. Ngày nay, các loại khăn giấy ướt không mùi khá dễ kiếm ở đa số những siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

●     Kem dưỡng ẩm không chứa bất kỳ chất kích ứng nào được liệt kê phía trên.

●     Kem trị hăm chứa zinc oxide hoặc có gốc từ dầu mỏ (petrolatum-based) và dĩ nhiên, không có mùi thơm.

●     Phấn rôm trẻ em có thành phần từ bột ngô, không chứa bột talc giúp hấp thu độ ẩm thừa trên da, hạn chế rôm sảy.

●     Kem chống nắng quang phổ rộng có SPF từ 25 trở lên với thành phần hoạt tính là titanium dioxide hoặc zinc dioxide.

●     Dầu khoáng không mùi (fragrance-free mineral oil) có thể được sử dụng như một loại dầu massage ngoài da cho bé. Trong nhiều trường hợp, massage có thể giúp bé dễ chịu hơn và ngủ ngon hơn.

Nhiều em bé rất thích được massage nên nếu được, bạn hãy thử massage cho bé bằng một loại dầu khoáng không mùi để giúp bé vui vẻ, thoải mái và ngủ ngon hơn.

Có một yếu tố rất quan trọng mà chúng tôi cần nhấn mạnh nhiều lần rằng phơi nắng đặc biệt gây tổn hại cho làn da của em bé vì lớp bảo vệ miễn dịch tự nhiên trên da vẫn đang còn phát triển, trong khi tổn thương do ánh nắng mặt trời đối với làn da (kể cả da trưởng thành ở người lớn) đã được các nhà khoa học công bố rộng rãi trên khắp các tạp chí khoa học.

Nói một cách tóm tắt, UVA tồn tại khắp mọi nơi dưới mọi điều kiện thời tiết là tác nhân hàng đầu gây phá huỷ cấu trúc tế bào da, dẫn đến các vấn đề về sắc tố như vết đốm nâu, tàn nhang, nốt ruồi, hoặc các mảng da không đều màu vĩnh viễn khác, về lâu dài tia này là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da. Trong khi đó, phần lớn chúng ta thường chỉ quan tâm đến tác động của UVB là gây cháy nắng, sạm da mà quên mất rằng tác hại của UVA khủng khiếp hơn nhiều lần và hậu quả không đến ngay tức khắc như tác hại của UVB.

Ánh nắng vốn có khả năng tổn thương da nghiêm trọng và mức độ gây hại này còn tăng lên gấp nhiều lần ở làn da của bé. Vì vậy, hãy hạn chế để bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bằng cách che chắn, dùng mũ, quần áo bảo hộ cho bé.

LƯU Ý: việc chống nắng bằng SPF cho em bé chỉ nên thực hiện đối với các bé trên 6 tháng tuổi. Với các bé nhỏ hơn, nên tránh nắng cho bé bằng quần áo bảo hộ, dù che hoặc khăn che khi đưa bé ra ngoài bằng xe đẩy.

Vài điều cần biết về hăm da (phát ban da do tã)

Tã là một nguyên nhân gây ra hiện tượng hăm da ở bé.

Đây là một vấn đề về da phổ biến nhất ở trẻ em, đa phần các bậc làm da mẹ đều đã từng gặp phải tình trạng con mình bị hăm da một vài lần. Để dễ đối phó với tình trạng này hơn, có một số điều bạn cần biết về hăm da như dưới đây:

Hăm có thể xuất hiện khi tã bị ướt cọ xát vào da, hoặc từ việc các nếp gấp trên da của bé cọ xát vào nhau, hoặc chỉ từ việc da của bé bị ẩm ướt quá lâu. Khi gặp phải hiện tượng này, bạn nên

-       Dùng kem chống hăm có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc có thành phần zinc oxide để bôi trực tiếp lên vùng da hăm. Bên cạnh đó, dùng phấn rôm để hút hết độ ẩm ướt thừa trên bề mặt da và loại bỏ phần phấn ướt, lau khô da cho bé ngay sau đó.

-       Thay tã thường xuyên hơn.

-       Nếu tình trạng này xảy ra liên tục, hãy đổi loại tã bạn đang dùng vì có thể kích ứng đến từ sản phẩm này.

-       Đổi loại khăn giấy ướt bạn dùng vì đây cũng là một nguyên nhân gây phản ứng da.

-       Nếu có thời gian, bạn hãy dùng bông và nước sạch để lau lại sau khi bạn lau bằng khăn giấy ướt vì có thể thành phần khăn giấy ướt làm cho da bé bị khó chịu.

-       Trước khi mặc tã mới cho bé, hãy đảm bảo bạn đã lau da thật khô.

-       Nếu da bé không phản ứng tích cực với tất cả những nỗ lực bạn đã làm, thì có thể nguyên nhân gây hăm đến từ phơi nhiễm vi khuẩn trên bề mặt da. Khi nghi ngờ, bạn nên đi đến bác sĩ kiểm tra chính xác để có thể kết luận cụ thể tình trạng da bé đang gặp phải, nhằm có hướng xử trí thích hợp hơn.

Eczema (bệnh chàm da) ở trẻ em

Bệnh này cũng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trên da trẻ, eczema biểu hiện thành các mảng vảy màu đỏ, bị kích ứng, bong tróc, thậm chí còn có mụn nước, đôi khi các mụn nước này vỡ lây lan dịch sang vùng lân cận, khiến cho eczema lan rộng hơn sang các vùng da khác. Đối với một số trẻ, da có thể khô đến mức bị nứt nẻ.

Eczema ở trẻ em nghiêm trọng hơn nhiều đối với người lớn. Chúng khiến bé bị đau, rát, ngứa ngáy khó chịu và làm bé buồn bực, mệt mỏi.

Chàm da ở trẻ em không đơn giản như đối với làn da của người lớn, trong khi bệnh này rất khó chữa dứt và dễ dàng bị tái phát thường xuyên. Vì lí do đó, nếu bạn nghi ngờ con bạn mắc phải eczema, thì tốt hơn hết là bạn nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra chính xác cho bé, sau đó bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn phác đồ điều trị.

Làn da của trẻ em rất mỏng manh và dễ tổn thương bởi nhiều yếu tố, vì vậy, bạn đừng bao giờ xem nhẹ những ảnh hưởng của các sản phẩm dùng trên da của bé. Đôi khi, các tác động không biểu hiện trực tiếp lên bề mặt da hoặc chúng không gây ảnh hưởng ngay lập tức sau khi tiếp xúc, nhưng hậu quả lâu dài là hoàn toàn có khả năng, và nhiều vấn đề về da có thể trở thành tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi. Hãy cẩn trọng ngay từ bây giờ để cho con bạn được tận hưởng những điều tốt nhất bạn có thể mang đến.