TRÀ và CÀ PHÊ – ĐÂU LÀ “MÓN TỦ” CHO LÀN DA CỦA BẠN?
Share this
Hướng dẫn - Kiến thức

TRÀ và CÀ PHÊ – ĐÂU LÀ “MÓN TỦ” CHO LÀN DA CỦA BẠN?

Đối với nhiều người, trà hoặc cà phê sẽ là sự lựa chọn đầu tiên để bắt đầu một ngày mới, nhất là trong những ngày bận rộn với deadline. Cho dù buổi sáng của bạn bắt đầu bằng một cốc cà phê hay một tách trà đi chăng nữa, thì món đồ uống bạn chọn cho mình sẽ là động lực để bạn có một buổi sáng làm việc hiệu quả.

Có một điều mà ít ai trong chúng ta biết được rằng, cả trà và cà phê đều có những lợi ích riêng nhất định cho sức khoẻ, không chỉ đối với cơ thể nói chung, mà chúng còn có một số tác động đến làn da của chúng ta nữa. Rất nhiều các hãng mỹ phẩm chăm sóc da đã tận dụng lợi ích này để đưa thành phần có nguồn gốc từ trà/cà phê vào trong sản phẩm của họ và con số này ngày một tăng lên.

Không bàn đến sở thích của bạn về hương vị, thì giữa trà và cà phê, cái nào là sự lựa chọn tốt hơn để giúp bạn có một buổi sáng làm việc tuyệt vời? Bạn hãy nhìn qua một số lợi ích và tác hại của hai món đồ uống phổ biến nhất dành cho buổi sáng, tính cả việc bạn uống lẫn sử dụng sản phẩm có thành phần chứa chiết xuất trà/cà phê và sau đó hãy lựa chọn cho mình món phù hợp nhất nhé.

Tác dụng chống Oxy hoá

Các chất chống oxy hoá – cho dù chúng có nguồn gốc tự nhiên hay là những chiết xuất nhân tạo – đều đóng vai trò như là một chất bảo vệ cho tế bào. Dù bạn dùng chúng qua đường thực phẩm hay bôi trực tiếp để chúng được hấp thụ qua da, thì các chất chống oxy hoá đều được chứng minh rằng chúng có khả năng chống lại các gốc tự do (là các phân tử không ổn định có liên quan đến hầu hết mọi loại bệnh tật, từ ung thư cho đến đục thuỷ tinh thể). Trước hết, chúng ta hãy cùng so sánh về khả năng chống oxy hoá giữa các chất có chứa trong trà và cà phê:

Thành phần Catechin trong Trà

Catechin là một dạng flavonoids có hoạt động như một chất chống ôxy hoá, đây là chất khiến nhiều người cho rằng uống trà rất tốt cho cơ thể. Chất chống ôxy hoá này được khoa học chứng minh rằng có khả năng làm giảm viêm tự nhiên, cải thiện tuần hoàn máu và chống lại các gốc tự do, thứ góp phần làm cho làn da bạn bị lão hoá. Vì vậy trà xanh thực sự có khả năng giúp cho da bạn trông trẻ, tươi sáng và rạng rỡ nếu bạn uống trà thường xuyên.

Trà xanh vốn rất nổi tiếng với khả năng chống ôxy hoá tự nhiên

Cà phê lại giàu Phenolic Acids

Mặc dù trà thường được mọi người nhắc đến nhiều hơn với tác dụng chống ôxy hoá, trong cà phê cũng có chứa rất nhiều các thành phần chống ôxy hoá tương tự. Những chất chống ôxy hoá được tìm thấy trong cà phê thường có các phenolic acids (cụ thể là caffeic, p-coumaric and ferulic). Đây là một nhóm chất chống ôxy hoá có tác dụng làm tăng khả năng chống lại quá trình ôxy hoá của LDL, do đó làm giảm đáng kể các nguy cơ mắc bệnh tim mạch (LDL là một cholesterol xấu gây ra bệnh tim, đồng thời sự ôxy hoá của LDL cũng là tác nhân gây ra nhiều chứng bệnh liên quan đến tim mạch.)

Phenolic Acids trong cà phê cũng không hề kém cạnh trà về khả năng chống ôxy hoá

Thành phần caffeine trong cả Trà và Cà phê

Theo Uỷ ban phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ tại Mỹ (ODPHP), hơn 95% người trưởng thành có tiêu thụ caffeine hằng ngày, phần lớn đến từ trà và cà phê. Mặc dù caffeine có khả năng gây nghiện nhẹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt caffeine là thành phần an toàn để tiêu thụ hàng ngày. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả mọi thứ khác, caffeine nên được thưởng thức ở một mức độ vừa phải. FDA khuyến nghị chúng ta nên hạn chế uống quá 400mg caffeine trong một ngày. Số liệu cung cấp bởi Trung tâm Khoa học vì lợi ích cộng đồng như sau:

●     Một cốc cà phê trung bình chứa khoảng 50-200mg caffeine (cà phê được quảng cáo không chứa caffeine thật ra có khoảng 2-25mg/cốc)

●     Một cốc trà trung bình chứa khoảng 25-100mg caffeine (các loại trà thảo mộc không sử dụng nguyên liệu từ lá trà thì không chứa caffeine)

So sánh lượng caffeine có trong cà phê và trà xanh matcha

Một khi bạn uống quá 4-5 ly trà hoặc cà phê trong một ngày, bạn có thể sẽ gặp phải những triệu chứng rối loạn như buồn nôn, đau đầu, căng thẳng, tim đập mạnh, đi tiểu thường xuyên và còn rất có thể có thêm nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác. Một số người còn trải qua giai đoạn mất khả năng điều khiển cơ thể nhẹ (caffeine, mặc dù hợp pháp, thì vẫn là một chất gây nghiện), những người này nếu tiếp tục sử dụng caffeine quá liều trong nhiều ngày liên tục, sẽ trở thành nạn nhân lẩn quẩn trong vòng xoáy của chứng mất ngủ và mệt mỏi kéo dài do caffeine còn có tác dụng làm ngăn chặn cơn buồn ngủ tự nhiên của cơ thể.

Mặc dù vậy, caffeine sử dụng điều độ không hoàn toàn chỉ có tác dụng xấu. Các nghiên cứu so sánh giữa người sử dụng caffeine điều độ trong giới hạn cho phép với người cắt giảm caffeine chỉ ra rằng một lượng caffeine nhỏ có thể tăng cường sức khoẻ, sự hạnh phúc, tăng năng lượng, khả năng tỉnh táo và khả năng giao tiếp xã hội tốt hơn.

Tác dụng đối với sức khoẻ nói chung

Trà và cà phê là hai loại đồ uống phổ biến nhất trên thế giới, và chúng đều có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với sức khoẻ. Dù những tác động dễ thấy nhất thường đến từ caffeine, chúng ta vẫn có thể so sánh thêm một số những thành phần khác có trong trà và cà phê.

Ảnh hưởng của Trà đối với cơ thể

Trà là một trong những loại đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất thế giới và cũng là một trong những loại đồ uống dễ mua, có giá thành hợp lý nhất để cải thiện sức khoẻ hàng ngày. Rất nhiều những nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng trà xanh có khả năng ngăn ngừa chứng Alzheimer hiệu quả, cũng như giúp giảm thiểu nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ.

Tuy nhiên, tannin có trong trà lại ức chế khả năng hấp thụ chất sắt, vì vậy nếu bạn uống trà thường xuyên, hãy cân nhắc việc bổ sung sắt dưới dạng viên uống hoặc tránh uống trà trong khi ăn hoặc sau khi ăn nếu như bạn đang bị chứng thiếu máu hay thiếu sắt. (Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định bổ sung sắt dưới dạng uống vào cơ thể). Tannin có trong trà và caffeine còn làm răng bị ố vàng và gây khô miệng, nên hãy đảm bảo rằng bạn uống đủ nước cũng như đánh răng ngay sau khi uống trà để bảo vệ sức khoẻ răng miệng.

Ảnh hưởng của Cà phê đối với cơ thể

Thật lòng mà nói, nhiều người trong chúng ta chỉ uống cà phê với mục đích cung cấp thêm năng lượng mà chúng ta cần để có một buổi sáng làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, lợi ích của việc uống cà phê còn vượt xa khỏi khả năng thúc đẩy để bạn vượt qua được những ngày làm việc bận rộn. Theo một nghiên cứu được đăng trong tạp chí Nông nghiệp và Hoá thực phẩm, cà phê còn có khả năng chống lại các bệnh tiểu đường loại hai, bệnh xơ gan và các bệnh về thần kinh.

Ở mặt khác, cà phê cũng có tác dụng ức chế hấp thu sắt, do tác dụng của các phenolic acids. Ngoài ra cà phê cũng làm khô miệng và ố răng tương tự như trà nên bạn hãy cân nhắc việc xử lý sau khi uống cà phê cũng giống như khi bạn uống trà để đảm bảo sức khoẻ cho răng miệng.

Hãy cân nhắc bổ sung thêm sắt dưới dạng viên uống nếu bạn thường xuyên uống cà phê hoặc trà.

Lợi ích cho việc chăm sóc da từ Trà và Cà phê

Mặc dù trà và cà phê đều có hương vị tuyệt vời, hai thức uống này cũng là nguyên liệu để sản xuất nhiều loại mỹ phẩm chăm sóc da. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy chiết xuất trà, chiết xuất cà phê và caffeine trong nhiều loại kem dưỡng mắt, hỗn hợp tẩy tế bào chết cho cơ thể (body scrubs), mặt nạ dưỡng da, và rất nhiều các sản phẩm chống lão hoá khác.

Lợi ích của Trà cho làn da bạn

Do đặc tính kháng viêm, chống ôxy hoá và chống ung thư, chiết xuất trà xanh thường được dùng trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc da. Trong một nghiên cứu về ứng dụng của thành phần có nguồn gốc từ thực vật trong dưỡng da, trà xanh có tác dụng chống lão hoá rất tốt khi dùng dưới dạng bôi tại chỗ, vì nó có khả năng kháng viêm và bảo vệ da chống lại tác động của các gốc tự do. Ngoài ra, các loại trà khác như trà trắng (bạch trà), trà đen (hồng trà) cũng giàu các thành phần kháng viêm và chống lão hoá.

Mặt nạ chăm sóc da với bột trà xanh nguyên chất

Lợi ích của Cà phê cho làn da bạn

Ngày càng nhiều sản phẩm chăm sóc da sử dụng chiết xuất từ quả cà phê. Bởi vì, theo Tạp chí da liễu lâm sàng và thẩm mỹ, chiết xuất cà phê được cho rằng có tác dụng tăng lưu thông máu trong cơ thể và chống viêm, khiến cho da bạn trông sáng, trẻ trung và xinh đẹp. Bên cạnh đó, một nghiên cứu gần đây được công bố bởi Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia chỉ ra rằng chiết xuất bột cà phê sử dụng trên bề mặt da trong các sản phẩm bôi còn có thể hữu dụng trong việc giảm nếp nhăn, ngăn ngừa hiện tượng mất nước của da và làm chậm lại quá trình sụt giảm collagen.

Hỗn hợp tẩy tế bào chết cho cơ thể được làm từ bột cà phê

Kết luận: Trà hay Cà phê – Chỉ cần bạn thích là được

Vậy chúng ta nên chọn trà hay cà phê?

Khi nói đến thành phần chống ôxy hoá, hay thành phần caffeine cũng như những lợi ích chung đối với sức khoẻ và chăm sóc da, cả cà phê và trà đều có rất nhiều lợi ích riêng biệt rõ rệt. Vì vậy, với những thông tin đã được cung cấp trên đây, sự lựa chọn cuối cùng là ở bạn.

Nếu bạn cần thêm nhiều caffeine hơn hoặc chỉ đơn giản là bạn thích cà phê hơn, thì cà phê nên là sự lựa chọn của bạn. Nếu bạn thích hương vị của trà, thì một cốc trà mỗi ngày cũng mang lại cho bạn nhiều lợi ích cho sức khoẻ tương tự.

Cả hai loại đồ uống này đều tốt cho làn da và cơ thể nói chung, dù chúng có một chút khác biệt nhỏ về tác dụng. Nhưng nên nhớ, dù bạn chọn uống cà phê hay trà, thì bạn cũng chỉ nên tiêu thụ một lượng vừa phải mỗi ngày để tránh bị chúng tác động ngược lên sức khoẻ của bản thân.