TUYỆT CHIÊU ĐỐI PHÓ VỚI VÙNG DA KHÔ XUNG QUANH MÔI

Da chúng ta có thể bị khô ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nếu không được chăm sóc đúng cách, nhưng vùng da xung quanh miệng nếu bị khô thường hay gây nhiều chú ý vì chúng tạo ra nếp nhăn và các vệt bong tróc.
Những vùng da khô này không thể che lại bằng lớp trang điểm vì chúng gây cộm phấn, nứt, hoặc nền không đều màu. Hiểu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng khô da này và các cách để đối phó với chúng sẽ giúp bạn có thêm nhiều tự tin hơn về vẻ bề ngoài của mình.
Nguyên nhân gây khô da xung quanh miệng
Đối với nhiều người, bị khô da xung quanh miệng là một hiện tượng mãn tính, liên tục. Trong khi với nhiều người khác, tình trạng này chỉ là nhất thời, do một số các nguyên nhân cụ thể nào đó. Với những người này, đôi khi các vùng da khác đều bình thường, chỉ riêng vùng da này là có xu hướng dễ bị khô. Mặc dù lý do dẫn đến da khô thường phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Nếu bạn gặp tình trạng này xuyên suốt hầu hết các thời gian, thì tốt nhất bạn nên đi đến bác sĩ da liễu để được phân tích, kiểm tra và kết luận chính xác. Dưới đây là một số nguyên nhân để bạn có thể tham khảo sơ bộ bước đầu về tình trạng khô da của mình.

● Viêm da quanh miệng: đây là một tình trạng có dấu hiệu nhận biết tương tự như mụn trứng cá viêm. Đầu tiên, da ửng đỏ, nổi mẩn lên vùng da xung quanh miệng, đi kèm với một vài triệu chứng khô, bong tróc, nhạy cảm. Tuy nhiên khác với mụn trứng cá, các tình trạng này không lây lan, nhưng cũng không có xu hướng giảm đi theo thời gian. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do sử dụng kem cortisone bôi da quá liều, hoặc sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride.
● Viêm da tiếp xúc: dạng viêm da này được gây ra bởi quá trình tác nhân kích thích tiếp xúc trực tiếp với da và gây ra phản ứng kích ứng. Các thành phần thường xuyên được tìm thấy trong mỹ phẩm như hương liệu, dầu tạo hương, bạc hà, tinh dầu bạc hà menthol (và các dẫn xuất khác của menthol), chanh và cồn khô là những nguyên nhân hàng đầu gây kích ứng, khô da. Bạn nên cẩn trọng với các sản phẩm dùng quanh miệng như kem đánh răng, nước súc miệng, son môi cũng như sản phẩm dưỡng môi và hạn chế các thành phần dễ gây kích ứng kể trên vì vùng da quanh môi rất nhạy cảm.
● Viêm da do tiết bã: Chứng viêm da này thường phổ biến ở những người sở hữu làn da nhờn. Dầu thừa trên da được sản sinh quá mức kết hợp với một loại vi khuẩn tự nhiên sẵn có trên da gây ra hiện tượng khô tạm thời và còn gây bong tróc. Vì chúng ta có nhiều tuyến dầu ở hai bên cánh mũi, tình trạng này có thể dễ thấy nhất ở khu vực gần mũi, và xung quanh miệng.
● Một số nguyên nhân khác như thời tiết thay đổi, thói quen liếm môi hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định: Thay đổi thời tiết, nhất là vào những giai đoạn giao mùa từ mùa nóng sang mùa lạnh, hanh khô, nhiều gió sẽ khiến da dễ khô, nứt nẻ hơn. Trong khi đó, thói quen liếm môi cũng là một nguyên nhân vì nước bọt có khả năng loại bỏ lớp màng dầu giữ ẩm tự nhiên trên khu vực môi cũng như phần rìa xung quanh môi. Ngoài ra, một số loại thuốc (ở dạng bôi trên da hoặc dạng uống) cũng có thể dẫn đến khô da, chẳng hạn như thuốc trị mụn trứng cá tretinoin và các loại thuốc kháng sinh như tetracycline.
Phương pháp để đối phó với tình trạng da khô quanh môi
Ngay khi bạn nhận thấy dấu hiệu khô da ở vùng da xung quanh miệng, việc đầu tiên bạn nên làm là kiểm tra lại các sản phẩm bạn đang sử dụng lên vùng da đó. Dưỡng môi, son môi, kem đánh răng hoặc nước súc miệng có chứa thành phần cồn, tinh dầu tạo hương, hoặc bạc hà đều có thể là tác nhân dẫn đến tình trạng khô đó. Nếu phát hiện được nguyên nhân, bạn nên thay thế sản phẩm đó bằng một sản phẩm khác dịu nhẹ hơn, không mùi, không chất tạo màu, không có khả năng gây kích ứng da.

Trong trường hợp nguyên nhân là kem đánh răng, khả năng bạn có thể tìm được một sản phẩm thay thế đạt yêu cầu có trên thị trường là khá thấp, vì vậy, bạn có thể ngăn chặn kích ứng xảy ra bằng cách dùng một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, có thành phần cấp ẩm để rửa lại khu vực da này ngay sau khi bạn đánh răng. Sau đó, bạn thực hiện chu trình dưỡng da như thông thường và dưỡng ẩm đẩy đủ cả ban ngày lẫn ban đêm để bù đắp lại lượng độ ẩm bị mất đi do tác động của kem đánh răng.
Nếu da bạn khô đến mức bị nứt nẻ, các loại kem dưỡng ẩm có gốc từ dầu mỏ (như vaseline, không có chất tạo hương, không chất kích ứng) có thể giúp bạn bảo vệ da và hỗ trợ quá trình lành lại vì các loại kem này có thành phần ẩm cao.

Bạn cũng có thể tìm thấy một số sản phẩm ít gây nhờn dính da và hỗ trợ chữa lành tốt hơn, tuy nhiên chúng không thực sự phổ biến nên bạn cần nghiên cứu thật kỹ trước khi lựa chọn sử dụng.
Trong trường hợp da bạn khô quanh năm và các loại kem dưỡng ẩm không có tác dụng gì mấy cho tình trạng hiện tại, hãy đến gặp bác sĩ và chia sẻ toàn bộ các sản phẩm bạn đang sử dụng, các loại thuốc bạn uống, hoặc một tình trạng sức khoẻ không ổn định nào đó bạn đang gặp phải để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất và kê đơn phù hợp cho da của bạn.