Bác sĩ da liễu: Cách xoá mờ sẹo thâm do mụn trứng cá để lại vô cùng khoa học
Mụn trứng cá là một vấn đề da phổ biến ở tất cả mọi người dù bạn đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa, cả ở thời thanh thiếu niên lẫn ở độ tuổi trưởng thành. Mụn trứng cá có thể gây ra những vết sẹo vĩnh viễn trên da nếu không được điều trị đúng cách.

Ngay cả khi mụn trứng cá đã biến mất hoàn toàn và nhân nang mụn đã được lấy đi sạch sẽ, sẹo vẫn có thể là một vấn đề “nhức nhối” trên da bạn sau đó, và chúng còn có khả năng bị biến dạng, ảnh hưởng đến sự tự tin, tâm lý của chúng ta đối với vẻ bề ngoài. Thậm chí sẹo mụn nặng nề còn khiến cho chúng ta lâm vào trạng thái bế tắc tinh thần và tồi tệ hơn nữa, là trầm cảm. Trên các vùng da bị tổn thương vì mụn, cũng như có sẹo mụn, chúng ta còn có thể gặp phải tình trạng tăng sắc tố da (vết thâm), hoặc sạm da. Tuy nhiên khác với sẹo, đây là những vấn đề mang tính chất tạm thời và nếu được can thiệp phù hợp, chúng có thể dần dần biến mất theo thời gian, trả lại cho bạn một làn da đều màu, bề mặt mịn màng, sạch sẽ.Mặc dù sẹo mụn có thể được can thiệp điều trị, nhưng điều trị để hoàn toàn sạch mụn một cách hiệu quả vẫn là ưu tiên hàng đầu chúng ta cần lưu ý. Hiện nay, dù không có bất kỳ loại thuốc hay phác đồ điều trị nào cụ thể để xử lý triệt để sẹo mụn, chúng ta vẫn có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị cũng như các liệu trình thẩm mỹ để đạt được hiệu quả tương đối tích cực, khả quan đối với vấn đề sẹo mụn.
1. Nguyên nhân da chúng ta xuất hiện sẹo sau mụn
Các tổn thương do mụn trứng cá gây ra trên da (mụn nhọt, mụn mủ, mụn nang) có cơ chế kích hoạt phản ứng viêm trong da. Cơ chế này tương tự với các chứng viêm da khác bạn có thể gặp phải do vi khuẩn, virus. Khi hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động để làm sạch da và chữa lành các thương tổn da gặp phải do mụn, cơ thể bạn sinh ra một cơ chế da tạo ra collagen khác với da bình thường. Chính cơ chế khác biệt này của da khiến cho sẹo mụn xuất hiện. Phản ứng tự nhiên của cơ thể với tình trạng viêm này có thể dẫn đến sẹo mụn ở một số người, nhưng không nhất thiết là tất cả mọi người bị mụn trứng cá đều có thể bị sẹo.Sẹo do mụn trứng cá có thể được phân loại ra làm 2 nhóm chính: sẹo lõm và sẹo lồi. Hầu hết sẹo do mụn trứng cá gây ra là dạng sẹo lõm (tạo thành một vết lõm nông hoặc sâu trên bề mặt da) do sự thiếu hụt collagen. Mặt khác, sẹo lồi (trông giống như những vết sưng cứng, vĩnh viễn) được tạo ra do quá trình tăng cường hình thành collagen bù đắp quá mức. Sẹo lồi cũng có thể lan rộng, phát triển ra bên ngoài đường viền của vết tổn thương ban đầu của mụn và bị biến dạng, mở rộng ra chứ không chỉ cố định bên trong phần đường viền của những thương tổn được gây ra do mụn.
2. Phân loại sẹo mụn trứng cá
Sẹo lõm (sẹo rỗ) chân tròn hình lượn sóng (rolling scar): sẹo có vết lõm rộng và các cạnh tròn nông, có hình lượn sóng nếu nhìn bằng mắt thường.Sẹo hình lượn sóng hình thành khi dải xơ bên trong cơ nằm ở vị trí giữa của da và mô dưới da bị tác động phát triển. Những dải xơ nằm bên trong cơ này kéo lớp biểu bì và ép sâu vào trong da. Chính điều này kéo lớp biểu bì từ bên trong tạo ra sự xuất hiện những vết sẹo hình sóng trên da.
Sẹo lõm dạng chân hộp (boxcar scar): sẹo có vết lõm rộng và các cạnh sắc tạo thành hình vuông. Chúng được hình thành sau khi mụn trứng cá bị vỡ ra trở nên nặng và viêm hơn từ đó hủy diệt các collagen trong da. Sự tổn thương các tế bào trên da đã làm xuất hiện các vết sẹo chân đế vuông. Khi một mụn trứng cá viêm bị vỡ ra và phá hủy các collagen sẽ làm mất đi các mô da ở vùng đó. Vùng da trên khu vực này tự động bị mất đi, và một vết lõm trên da được tạo ra. Sẹo Boxcar có thể có độ nông hoặc sâu tùy theo số lượng mô da bị mất ở vùng bị thương tổn.
Sẹo lõm chân đá nhọn (ice pick scar): bề mặt sẹo nhỏ nhưng chân sẹo rất sâu. Sẹo có dạng lỗ sâu và hẹp, giống như có vật nhọn đâm mạnh vào da, để lại những lỗ sâu với đường kính không quá 2mm, sâu hơn 0.5mm. Tuy nhiên, cũng có những loại sẹo chân đá nhọn khá nông và bị lầm tưởng với lỗ chân lông to. Nguyên nhân hình thành sẹo Ice Pick là do những tổn thương sâu của hệ thống collagen ở vùng trung bì do mụn bọc hoặc u nang lây nhiễm làm phá hủy lỗ chân lông. Nói cách khách, khi da bị mụn, các nang lông liên tiếp bị vi khuẩn tấn công, làm đứt gãy các tế bào sợi collagen và elastin, phá hủy các tế bào da, gây thiếu hụt cấu trúc da nên tạo thành các vết lõm gọi là sẹo rỗ trên da. Do đó, sẹo Ice Pick thường xuất hiện trên các nốt mụn trứng cá nang sâu hoặc cũng có thể hình thành khi bạn nặn mụn đầu đen và mụn đầu trắng không đúng cách.
3. Các lựa chọn về điều trị sẹo
Điều quan trọng nhất khi cân nhắc phương pháp điều trị sẹo là bạn cần phải hiểu rõ loại sẹo bạn đang gặp phải, và xác định cụ thể rằng khả năng có thể loại bỏ hoàn toàn 100% dấu vết của sẹo là cực kỳ thấp. Mức độ cải thiện đạt được với các phương pháp điều trị sẹo mụn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như dạng sẹo (sẹo lõm hay sẹo lồi), độ sâu của sẹo, vị trí sẹo (sẹo trên da mặt thường dễ điều trị hơn sẹo trên cơ thể) và màu da của từng cá nhân. Ngoài ra, nhiều phương pháp điều trị khác nhau có thể được áp dụng; hoặc một số phương pháp khác đòi hỏi bạn cần cho da thời gian để nghỉ ngơi, hít thở, hồi phục sau khi thực hiện một lần điều trị (điển hình là điều trị sẹo bằng laser). Bạn cũng nên lưu ý rằng, cho tới thời điểm hiện tại, chưa có một phương pháp nào để ứng phó với sẹo có đủ bằng chứng khoa học để có thể tuyên bố rằng đó là phương pháp điều trị sẹo tốt nhất hay hiệu quả nhất (cũng như có thời gian điều trị ngắn nhất).
a. Điều trị không phẫu thuật
Tái tạo bề mặt da bằng tia laser bóc tách (ablative laser resurfacing): đây là phương pháp điều trị phù hợp nhất cho những ai gặp phải tình trạng sẹo hình lượn sóng (rolling) và sẹo lõm dạng chân bộp (boxcar)mong muốn kích thích khả năng tái tạo collagen tự nhiên trong cơ thể. Bằng cách sử dụng yttrium aluminum garnet laser (YAG) hoặc COs laser. Những tia laser này mài mòn da ở những vị trí cần điều trị, khiến cho da bị xâm lấn, tổn thương nhẹ. Từ đó kích thích khả năng tự tái tạo collagen, làm săn chắc da, giảm bớt dấu vết của sẹo lõm. Phương pháp điều trị này cần được thực hiện bởi bác sĩ được đào tạo chuyên môn và da cần có thời gian phục hồi sau điều trị khoảng từ một đến hai tuần. Tuy nhiên, đối với những ai sở hữu làn da màu, da tối hơn thì cần cân nhắc và trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi thực hiện liệu pháp này.
Tái tạo bề mặt da bằng tia laser không bóc tách (nonablative fractional laser resurfacing): điều trị dạng laser không bóc tách này thích hợp cho những loại sẹo hình sóng (rolling) và sẹo chân hộp (boxcar) ở mức độ nhẹ. Nhìn chung, laser không bóc tách khá nhẹ nhàng cho da và thời gian để da nghỉ không dài như đối với phương pháp dùng laser có bóc tách, nhưng tổng số lần thực hiện điều trị có thể sẽ cần nhiều hơn, do tác động khá yếu, nhẹ nhàng không mang lại nhiều hiệu quả quá rõ rệt.
Laser nhuộm xung (pulsed-dye laser): loại laser này có thể được sử dụng với tất cả các loại sẹo mụn với cơ chế nhắm vào điều trị phần mạch máu dưới da để cải thiện vết ban đỏ, vết thâm mới của sẹo. Thông thường, điều trị laser nhuộm xung mất khoảng 3-4 tháng (mỗi tháng điều trị một lần) để bắt đầu thấy được hiệu quả.
Công nghệ IPL ánh sáng xung cường độ cao (intense-pulsed-light): đây cũng là một liệu trình đơn giản có thể thực hiện trên tất cả các loại sẹo, giúp làm giảm vết đỏ, vết thâm của các sẹo mụn mới.
Tiêm chất làm đầy (filler injection): chất làm đầy, như tên gọi của nó, có khả năng cải thiện bề mặt lõm của sẹo trên da ngay lập tức sau khi tiêm. Tuy nhiên, phần lớn các chất làm đầy chỉ có tác dụng tạm thời trong vòng từ một đến hai năm và sẽ bị đào thải dần ra khỏi cơ thể theo thời gian. Để duy trì bề mặt da như mong muốn, bạn cần phải liên tục tái thực hiện tiêm khi có dấu hiệu sẹo trở lại. Chất làm đầy thích hợp để xử lý sẹo rolling và sẹo boxcar. Và để thực hiện liệu trình này, bạn cần phải lựa chọn các cơ sở y tế có uy tín, có đội ngũ bác sĩ đáng tin cậy cũng như sử dụng loại chất làm đầy có nguồn gốc rõ ràng.
Lăn kim (micro-needling): phương pháp này sử dụng một dụng cụ hình trụ có gắn các đầu kim nhỏ (mỗi kim có chiều dài từ 1 - 2.5mm) để lăn trên bề mặt da. Các đầu kim này gây ra tổn thương nhẹ, từ đó da tái tạo một lớp da mới để chữa lành các vết thương nhỏ này. Phương pháp này là một trong những phương pháp trị sẹo được tin dùng rộng rãi nhất hiện nay do kết quả khả quan sau khi thực hiện thử nghiệm điều trị được chia sẻ rộng rãi. Cũng như các phương pháp không phẫu thuật khác, lăn kim thích hợp cho sẹo rolling và sẹo boxcar.
b. Điều trị có phẫu thuật
Phương pháp mài mòn da (dermabrasion): ở phương pháp này, các công cụ đặc biệt như bàn chải tốc độ cao, đầu kim cương hoặc giấy nhám silicon carbide có thể được sử dụng để mà mòn đi lớp biểu bì xung quanh các cạnh sẹo nhằm cải thiện mức độ nhìn thấy của sẹo. Phương pháp này hữu ích cho những người có sẹo rolling hoặc boxcar. Tuy nhiên, kỹ thuật này không nên được sử dụng trên những người có màu da tối. Và một điều cần lưu ý khác rằng kỹ thuật dermabrasion hoàn toàn khác so với microdermabrasion (không dùng để điều trị sẹo).
Phương pháp cắt khâu sẹo (punch excision): sử dụng một công cụ sinh thiết (có đường kính lớn hơn một chút so với vết sẹo) để huỷ hoại, tổn thương nhằm loại bỏ mô sẹo cho đến lớp mỡ bên dưới da và sau đó được khâu kín lại rồi để lành tự nhiên. Phương pháp này thường được sử dụng ở dạng sẹo lõm chân đá nhọn (ice pick) hơn là các loại sẹo mụn khác.
Phương pháp bóc tách sẹo trong điều trị sẹo rỗ (subcision): đối với phương pháp này, một lưỡi dao phẫu thuật dạng đầu kim được dùng để đưa vào bên dưới vết sẹo để phá vỡ mô sẹo xơ có nguy cơ gây ra sự xuất hiện của vết lõm. Mục tiêu của phương pháp điều trị này là để collagen mới phát triển bên dưới vùng da có sẹo. Loại điều trị này được sử dụng thường trên sẹo lõm chân đá nhọn (ice pick) và sẹo hộp (boxcar) hơn là các loại sẹo lõm khác.
c. Lột da hoá học (chemical peels)
Lột da hoá học thông thường cũng dùng cơ chế kích thích tái tạo collagen bằng cách gây tổn thương nhẹ cho bề mặt da. Khác với laser, lột da hoá học sử dụng hoạt chất được phân loại dựa trên độ sâu thâm nhập của da. Ở dạng nhẹ, hoạt chất thường được sử dụng là salicylic, glycolic hoặc lactic acid, ở dạng trung bình là dung dịch Jessner hoặc axit trichloroacetic 50%, và ở dạng sâu là phenol. Lột da hóa học thích hợp nhất cho sẹo rolling và một số sẹo boxcar. và cần được thực hiện cẩn thận trên những người có màu da sẫm hơn.
Tái tạo hoá học cho sẹo trên da (CROSS Technique): với kỹ thuật chuyên dụng này, dung dịch lột chứa trichloroacetic acid (TCA) nồng độ 100% được hướng vào gốc của các vết sẹo. nhằm mục đích thúc đẩy tái tạo bên trong lớp hạ bì của da. Kỹ thuật CROSS có thể được sử dụng trên các loại sẹo mụn dạng ice pick.
4. Những lưu ý đặc biệt
Không phải tất cả mọi người đều phù hợp để bắt đầu một liệu trình điều trị sẹo. Những ai còn đang chịu tổn thương do mụn nên ưu tiên để chữa sạch mụn trước khi bắt tay vào xử lý các vết sẹo; hoặc những bệnh nhân đang sử dụng isotretinoin (thường được gọi là Accutane) để điều trị vấn đề sức khoẻ cũng nên đặc biệt cẩn trọng với các liệu trình trị sẹo. Đối với một số cá nhân có màu da sẫm màu tự nhiên, nguy cơ bị sạm da sau viêm (tăng sắc tố) với một số phương pháp điều trị sẹo là khá cao nên cần cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định thực hiện. Một điều cần lưu ý nữa là tất cả các phương pháp điều trị sẹo mụn trứng cá kể trên nên được thảo luận với bác sĩ hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe để đảm bảo rằng bạn đủ điều kiện để cân nhắc cũng như lựa chọn sử dụng phương pháp điều trị.