9 THÓI QUEN XẤU BẠN NÊN DỪNG NGAY LẬP TỨC NẾU KHÔNG MUỐN DA BỊ TỔN THƯƠNG
Share this
Hướng dẫn - Kiến thức

9 THÓI QUEN XẤU BẠN NÊN DỪNG NGAY LẬP TỨC NẾU KHÔNG MUỐN DA BỊ TỔN THƯƠNG

Duy trì một thói quen sống lành mạnh, khoa học vốn đã rất khó khăn trong thời đại hiện nay. Với lịch trình bận rộn hàng ngày, liệu bạn có đảm bảo được việc đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ tại bệnh viện thường xuyên? Hoặc bạn có quan tâm đến các dấu hiệu nhức mỏi trên cơ thể đúng mức?

Mặc dù chúng ta luôn cố gắng để duy trì các thói quen tốt cho sức khoẻ hết mức có thể, thì vẫn có một số những thói quen xấu có thể dễ dàng loại bỏ mà bạn cần quan tâm để ngưng chúng lại ngay lập tức, vì những thói quen này gây hại rất nhiều đến cơ thể bạn. Quan tâm đúng mực đến chu trình chăm sóc da hàng ngày, từ các sản phẩm bạn dùng, cho đến cách thức giúp bạn bảo vệ da khỏi tác hại của môi trường ô nhiễm cũng như ánh nắng mặt trời, là điều tối quan trọng để đảm bảo da bạn khoẻ mạnh và hạn chế tối đa quá trình hình thành lão hoá.

Dưới đây là một số những thói quen xấu có thể gây tổn thương đến da cực kỳ nghiêm trọng mà tốt hơn hết bạn nên tránh:

1. Sử dụng các sản phẩm không dành cho loại da của bạn

Nhà sáng lập và chủ sở hữu của Viện nghiên cứu da và Laser Miami, bác sĩ Jill Waibel chia sẻ rằng bà đã gặp rất nhiều trường hợp các bệnh nhân chọn mua những sản phẩm hoàn toàn không dành cho da của họ. Trong thực tế, một loại kem dưỡng ẩm với chất kem dày, nhiều ẩm, khi được dùng cho da dầu, chúng chỉ khiến cho da bị tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn chứ không mang lại lợi ích gì cả. Hoặc các bệnh nhân của bà cũng thường thích sử dụng những sản phẩm có mùi hương nồng, sản phẩm tự nhiên từ hoa quả; trong khi họ sở hữu làn da nhạy cảm, dễ kích ứng hoặc dễ bị viêm da dị ứng, eczema …

Bảng thành phần tham khảo cho các nhóm da.

Nhìn chung, mỗi sản phẩm chăm sóc da thường được nghiên cứu dành riêng cho một loại da nhất định, nên bạn cần phải hiểu rõ làn da của mình, phân tích kỹ các vấn đề da mình đang gặp phải, sau đó tìm hiểu thành phần sản phẩm được in trên nhãn để tìm cho mình sản phẩm thích hợp nhất. Ví dụ như da của bạn là da dầu, những sản phẩm được ghi trên nhãn là “không gây mụn” (non-comedogenic) hay “không gây bóng nhờn” (mattifying) là những sản phẩm dành cho bạn, vì chúng không gây bít tắc lỗ chân lông, không gây nhờn và ngăn da tiết dầu thừa. Đối với làn da nhạy cảm, hãy tuyệt đối tránh xa các sản phẩm có mùi nồng vì thành phần tạo hương trong sản phẩm sẽ khiến cho da nhạy cảm gặp nhiều vấn đề hơn. Thay vào đó, bạn chọn cho mình những thành phần dịu nhẹ, làm mềm da như chiết xuất từ nha đam, kim chẩn thảo (calendula) và hoa cúc (chamomile).

Hoa cúc là một thành phần dịu nhẹ rất phù hợp cho làn da nhạy cảm

2. Tẩy tế bào chết quá mức

Sau một ngày dài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bụi bẩn, môi trường ô nhiễm, không gì có thể khiến cho chúng ta sảng khoái, thoải mái hơn việc rửa mặt thật sạch. Tuy nhiên, chính vì những nỗ lực làm sạch hơn khi dùng cọ rửa mặt hoặc máy rửa mặt, da bạn sẽ bị làm sạch quá mức. Nếu thực hiện với tần suất dày đặc, lỗ chân lông thường xuyên bị mở to và mất đi khả năng tự phục hồi về trang thái ban đầu. Đây là một lỗi chăm sóc da phổ biến mà bệnh nhân của bác sĩ Waibel hay gặp phải.

Chúng ta chỉ nên tẩy tế bào chết tối đa 2-3 lần một tuần để đạt được hiệu quả tối đa.

Thật ra, bạn chỉ cần tẩy tế bào chết tối đa là từ hai đến ba lần một tuần. Tuyệt đối không nên thực hiện nhiều hơn như vậy vì bạn sẽ làm cho da mất đi độ ẩm cần thiết, phá huỷ đi lớp màng tự bảo vệ trên da, khiến cho da dễ nhiễm trùng hơn, lỗ chân lông to và dễ bị các gốc tự do tấn công gây nên những nếp nhăn không mong muốn.

3. Tự nặn mụn

Có bao giờ bạn gặp phải tình trạng da nổi mụn quá nhiều và bạn chỉ muốn nặn hết cồi mụn ra để thoát khỏi mụn tấn công? Câu trả lời có thể là có. Và bản thân cảm giác của việc nặn được cồi mụn ra đã là một kiểu cảm giác cực kỳ thoải mái, thích thú. Nhưng không, tốt hơn hết là bạn nên từ bỏ thói quen này, nhất là khi mụn còn chưa chín.

Khi mụn đang sưng viêm nặng, nếu bạn cố gắng nặn chúng ra ngay lập tức, điều đó sẽ khiến bạn bị chảy nhiều máu, dễ bị viêm trở lại, sưng mủ, hoặc khi chúng lành rồi, chúng thường để lại vết sẹo rất sâu, xấu xí trên bề mặt da bạn. Hãy đợi đến khi mụn đã khô lại, bạn có thể đến các cơ sở y tế để lấy nhân mụn ra để đảm bảo vệ sinh tuyệt đối.

Nỗ lực nặn mụn mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho làn da.

4. Chỉ sử dụng kem chống nắng khi trời có nắng

Trọn bộ thiết bị chống nắng hàng ngày của bạn bao gồm áo chống nắng, váy chống nắng, găng tay chống nắng, tất chống nắng, và mũ. Bạn cho rằng vậy là đủ?

Cho dù trời không có nắng đi chăng nữa, thì các tia gây hại từ ánh sáng mặt trời vẫn có thể xuyên qua tất cả các lớp trang phục chống nắng của bạn, và mặc dù chúng không gây ra cháy nắng cho da, thì chúng vẫn có thể phá huỷ cấu trúc tế bào gây nám, lão hoá, thậm chí ung thư da theo thời gian.

Vì vậy đừng bao giờ chủ quan, để bảo vệ da một cách tối ưu, bạn nên luôn luôn bôi một lớp kem chống nắng sau khi dùng kem dưỡng ẩm ngày, rồi mới tiếp tục đến lớp trang điểm.

5. Trang điểm khi đi tập thể dục

Sẽ rất dễ để bạn quên mất việc tẩy trang trước khi bắt đầu tiến hành tập thể dục, nhưng hãy tưởng tượng nhé, lượng mồ hôi cộng với dầu nhờn hoà lẫn với lớp nền trang điểm, lớp bụi bẩn trên da và nhiều thứ tạp chất khác, liệu da bạn sẽ phản ứng thế nào? Tất cả các chất bẩn đó sẽ trôi xuống lỗ chân lông và gây tắc nghẽn ở đó, gây ra mụn viêm, sưng đỏ cực kỳ tệ.

Tẩy trang sạch sẽ trước khi tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ và làn da.

Hãy nhớ tẩy trang sạch và cho da bạn thở. Trong khi bạn tập thể dục, cặn bẩn sẽ theo mồ hôi thoát ra khỏi lỗ chân lông, và bên cạnh việc cải thiện sức khoẻ, da bạn cũng trở nên khoẻ mạnh hơn đấy.

Còn nếu như bạn vẫn không có đủ thời gian để tẩy trang đầy đủ các bước? Bạn chỉ cần dùng khăn giấy tẩy trang tiện dùng là hoàn toàn ổn rồi.

6. Thói quen thiếu ngủ hoặc ngủ không sâu

Sau một ngày dài làm việc, (và tập thể dục), không gì sung sướng hơn việc bạn nằm dài, dán mắt vào màn hình điện thoại hoặc màn hình tivi và chìm dần vào giấc ngủ. Nhưng cho dù bạn đã tẩy trang đẩy đủ, thì đây vẫn không phải là một thói quen tốt cho giấc ngủ của bạn.

Các thiết bị điện tử chi phối hoạt động của não bộ và khiến cho giấc ngủ của bạn không được sâu như bình thường. Chưa kể đến việc bạn không ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày. Tất cả những điều này khiến da bạn lúc nào cũng trong trạng thái bị xỉn màu, mệt mỏi, thiếu sức sống. Vì vậy hãy nhớ rằng, da tự tái tạo trong lúc bạn ngủ nên bạn hãy ngủ thật ngon để da luôn được săn chắc, bóng khoẻ.

7. Ăn các thực phẩm không tốt cho sức khoẻ

Những gì bạn ăn vào cơ thể không chỉ được phản ánh bởi lớp mỡ thừa dưới da hay hệ tiêu hoá có vấn đề, mà chúng còn thể hiện lên trên bề mặt da cũng như tóc của bạn. Thực tế rằng, có một số loại thực phẩm nhất định sẽ khiến cho bạn bị nổi mụn, trong khi đó những thực phẩm khác lại giúp bạn xử lý tốt các vấn đề về da. Đôi khi việc ăn uống không điều độ với một chế độ ăn thiếu khoa học còn dẫn đến việc hình thành lão hoá sớm. Vì vậy, trước khi ăn bất kỳ thứ gì, hãy nhớ đến việc chúng sẽ biểu hiện như thế nào trên da bạn sau đó.

Nhiều phụ nữ có thói quen ăn kiêng để giảm cân với một chế độ ăn nghèo nàn, hoặc là thiếu đạm, hoặc là thiếu rau xanh và kết quả dẫn đến là cơ thể không được cung cấp đủ chất chống ôxy hoá. Điển hình là vitamin C, một thành phần quan trọng giúp thúc đẩy sản sinh collagen. Trong khi đó, tiêu thụ quá nhiều đường sẽ phá huỷ lượng collagen sẵn có trong da và còn gây hại đến các mô đàn hồi, khiến cho da kém săn chắc, xuất hiện nhiều nếp nhăn.

Thực phẩm giàu vitamin C giúp da chống lại quá trình ôxy hoá hữu hiệu.

8. Buộc tóc quá chặt

Chúng ta ít khi nhìn nhận da đầu là một phần của làn da, và cách bạn chăm sóc tóc cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu cũng như độ khoẻ của phần da phía dưới. Nếu bạn không quan tâm đúng mức đến cách bạn tạo kiểu cho tóc, bạn sẽ gián tiếp làm tổn thương đến da đầu và da đầu lại tác động ngược, gây ra rụng tóc vĩnh viễn.

Cùng với xu thế của các kiểu tóc tết, búi, chặt hay tóc lượn sóng, ngày càng có nhiều phụ nữ mắc phải chứng rụng tóc hơn bao giờ hết. Tổn thương da đầu gây ra bởi áp lực căng khi cột tóc dẫn đến tóc bị rụng, cũng như viêm da đầu. Đôi khi những thương tổn này là vĩnh viễn không thể khắc phục được. Vì vậy, trước khi thực hiện những kiểu tóc sành điệu, hãy cân nhắc đến sức khoẻ của mái tóc cũng như da đầu bạn.

Những kiểu tóc đòi hỏi phải cột chặt thường rất có hại cho da đầu bạn.

9. Rửa mặt quá thường xuyên khi sở hữu làn da bị mụn

Trái ngược với những gì chúng ta thường nghĩ, rửa mặt quá thường xuyên không giúp ích gì được cho nỗ lực làm sạch mụn trên da. Bạn bị nổi mụn không chỉ vì da bạn bẩn khi bạn chưa rửa mặt đủ sạch, mà mụn trứng cá hình thành nên từ bốn yếu tố: lỗ chân lông tắc nghẽn do keratin (chất sừng) hoặc tế bào chết, bã nhờn, vi khuẩn, và tình trạng viêm da. Đối với phản ứng viêm, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng nhất. Ba yếu tố khác thuộc về ngoại cảnh và thói quen chăm sóc da hàng ngày. Hoóc môn cũng là tác nhân quan trọng việc hình thành mụn, nhất là ở phụ nữ trưởng thành.

Thay vì bạn tăng số lần rửa mặt trong ngày lên, hãy tìm cho mình một loại sữa rửa mặt dành cho làn da đang bị mụn và thực hiện chu trình chăm sóc da cơ bản để đảm bảo da sạch, đủ ẩm, thông thoáng.