9 SAI LẦM THƯỜNG MẮC PHẢI KHIẾN DA BẠN TRỞ NÊN XẤU XÍ

Thiết lập một chu trình chăm sóc da đầy đủ các bước và luôn tuân thủ nghiêm ngặt chu trình ấy là một bước cực kỳ quan trọng để sở hữu một làn da tươi tắn, hoàn hảo, ít khuyết điểm hết mức có thể. Tuy nhiên, có những sai lầm bạn vẫn có thể đang thực hiện trong chăm sóc da mà bạn ít khi chú ý đến nhưng lại có tác động cực kỳ xấu, khiến cho bao nỗ lực khác không còn có kết quả như mong muốn.
Theo các bác sĩ da liễu, chúng ta cần một chu trình đầy đủ các bước, thực hiện khoa học, logic và nên hạn chế tối đa những việc làm được liệt kê dưới đây để không gặp phải các vấn đề về da, giúp cho da được khoẻ mạnh.
1. Không tẩy trang kỹ càng trước khi bắt đầu chu trình chăm sóc da
Bước đầu tiên trong bất kỳ chu trình chăm sóc da nào cũng nên được bắt đầu bằng việc làm sạch da mặt. Double cleansing hiện nay đang là một phương pháp làm sạch da phổ biến với hiệu quả làm sạch đáng kể lớp trang điểm và loại bỏ các chất cặn bã, bụi bẩn ra khỏi làn da.

Double cleansing đã được áp dụng qua nhiều thế kỷ ở Nhật Bản, bắt nguồn là phương pháp duy nhất dùng dầu tẩy trang để làm sạch lớp trang điểm từ kim loại màu trắng vốn rất dễ gây tổn thương cho da của các Geisha. Sau đó, sau khi lớp trang điểm đã được tẩy sạch, lần rửa thứ hai với sữa rửa mặt sẽ làm mới làn da, đồng thời, loại bỏ dầu tẩy trang bẩn còn sót lại trên da.
Mặc dù bây giờ chúng ta đã có lớp trang điểm nhẹ hơn, dễ thở hơn, tính thực tế của phương pháp double-cleansing vẫn không có nhiều thay đổi. Phương pháp này được thực hiện đúng như tên gọi của nó: bước thứ nhất dùng các sản phẩm tẩy trang chuyên dụng để loại bỏ đi lớp trang điểm, kem chống nắng đã dùng ban ngày và bước thứ hai dùng làm sạch da chuyên sâu.
Thực hiện đầy đủ hai bước làm sạch sẽ giúp da bạn sạch một cách tối đa và không bị tắc nghẽn lỗ chân lông bởi những chất bẩn li ti, thoát khỏi nỗi lo trang điểm gây bí bách, hại da.
2. Sử dụng sai sản phẩm làm sạch da
Thông thường, da của chúng ta có độ pH trên bề mặt là khoảng 5.5 nên cho dù bạn sử dụng sản phẩm nào đi chăng nữa, thì bạn cũng mong muốn duy trì độ pH này để không gây kích ứng da quá mức.
Các sản phẩm làm sạch da bạn chọn cần có độ pH tương đương với độ pH tự nhiên của da. Nếu pH quá cao, sữa rửa mặt có tính kiềm, tẩy mạnh, làm cho da bạn sạch căng quá mức. Lúc này, tuyến nhờn sẽ càng bị kích thích để sản sinh ra nhiều dầu hơn, gây tắc lỗ chân lông và về lâu dài, bạn sẽ bị nổi mụn.

3. Bỏ qua bước toner sau khi làm sạch
Mặc dù đây không phải là một bước bắt buộc và nó không mang lại hiệu quả cải thiện thực sự rõ rệt cho da, toner vẫn có một tác dụng quan trọng là làm cân bằng lại độ pH, độ ẩm của da sau khi bạn rửa mặt. Bên cạnh đó, toner còn giúp lấy đi cholrines và khoáng chất gây hại có trong nước sinh hoạt, định hình lại làn da để chuẩn bị hấp thu tối đa các dưỡng chất tiếp theo như serum và kem dưỡng ẩm.
4. Sử dụng quá nhiều sản phẩm tẩy tế bào chết hoặc sản phẩm quá mạnh so với da bạn

Tẩy tế bào chết là một bước cực kỳ quan trọng và thiết yếu trong chăm sóc da. Nhưng nếu bạn sử dụng tẩy tế bào chết vật lý (dạng hạt hoặc dạng lột), da bạn sẽ có xu hướng dễ bị tổn thương, mất độ ẩm và bong tróc do bạn rất khó kiểm soát được lực sử dụng cũng như mức độ sản phẩm bạn dùng. Thay vào đó, hãy dùng các sản phẩm tẩy tế bào chết hoá học, điển hình là AHAs và BHAs. Các hoạt chất này hoạt động trực tiếp trên da, giúp lấy đi lớp tế bào chết vừa phải, kích thích quá trình sản sinh tế bào mới và giúp bề mặt da căng sáng, khoẻ mạnh.
5. Tự nặn mụn
Bạn không nên tự ý nặn mụn, nhất là nặn mụn tại nhà. Có hai lý do khiến bạn không nên thực hiện việc này. Một là bạn không có khả năng đảm bảo vệ sinh hoàn toàn đối với các dụng cụ sử dụng cũng như nguồn nước. Hai là bạn sẽ có xu hướng làm lây lan vết mụn viêm ra các khu vực da khác, khiến cho da nổi mụn nhiều hơn. Nếu bạn mụn điều trị mụn, hãy dùng các hoạt chất như salicylic acid hoặc benzoyl peroxide và chỉ chấm vào những nốt mụn đang sưng để xử lý tại chỗ.
6. Tránh dùng các sản phẩm có chứa dầu dưới mọi hình thức
Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm mà nhiều người mắc phải. Cho dù bạn có một làn da dầu, thì bạn cũng cần phải cung cấp đủ độ ẩm cho da. Thiếu độ ẩm sẽ làm cho da bạn khô, căng, xỉn màu, kích thích tuyến dầu tiết thêm nhiều dầu thừa hơn và hậu quả sẽ khiến cho da cực kỳ tệ. Thay vì tránh hết các sản phẩm có chứa dầu, hãy chọn những dạng dưỡng ẩm gel hoặc có kết cấu nhẹ nhàng, không gây nhờn rít, dễ thấm trên da. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng dầu dưỡng da (facial oils) để cung cấp thêm độ ẩm cho làn da của mình. Một số loại dầu dưỡng dành cho da nhờn: dầu có linoleic acid như dầu hoa tầm xuân (rosehip oil), hemp seed oil, hay dầu hạt bí (pumpkin seed oil).

7. Không sử dụng kem chống nắng
Ánh nắng mặt trời có tác hại khủng khiếp đối với da, chúng vừa khiến da đỏ, bỏng, rát, cháy nắng, vừa có khả năng phá huỷ tế bào da, gây lão hoá, nếp nhăn, rối loạn sắc tố da, thậm chí ung thư da. Vì vậy, dù thời tiết như thế nào đi chăng nữa, và dù bạn có tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hay không, cũng hãy đảm bảo rằng bạn luôn luôn dùng kem chống nắng cho ban ngày.
8. Không thay vỏ gối thường xuyên
Vỏ gối bẩn có thể là nguyên nhân da bạn bị viêm nhiễm do vi khuẩn, hoặc bạn bị mụn. Để tránh khỏi vấn đề này, hãy cố gắng thay vỏ gối thường xuyên. Nếu có thể, bạn cũng cần thay cả tấm trải giường và chăn định kỳ để đảm bảo vệ sinh tối đa.
9. Không uống đủ nước và ăn các thực phẩm có hại cho sức khoẻ
Tất cả mọi vấn đề được thể hiện trên da đều là dấu hiệu của một vấn đề nào đó bên trong cơ thể. Vì vậy, về sức khoẻ lâu dài, bạn hãy cân nhắc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Uống nhiều nước và hạn chế tối đa các thực phẩm có hại như chiên, xào, nhiều dầu mỡ, nhiều đường sẽ giúp cải thiện đáng kể làn da của bạn.
