8 THÀNH PHẦN LÀM ĐẸP BẠN NÊN TRÁNH XA TRONG GIAI ĐOẠN THAI KỲ
Share this
Hướng dẫn - Kiến thức

8 THÀNH PHẦN LÀM ĐẸP BẠN NÊN TRÁNH XA TRONG GIAI ĐOẠN THAI KỲ

Có nhiều tin đồn về việc bạn sẽ sở hữu một làn da căng bóng hơn khi mang thai bạn đã từng được nghe qua ở đâu đó, nhưng thực tế không hoàn toàn giống như vậy. Những gì diễn ra trong cơ thể bạn khi bạn mang thai có thể khiến cho bạn đẹp lên trông thấy hoặc xấu đi là tuỳ theo mỗi người.

Đối với nhiều phụ nữ, hoóc môn thay đổi trong cơ thể khiến cho da họ xuất hiện nhiều vấn đề hơn cả những lúc bình thường. Ở giai đoạn này, chăm sóc da đóng một vai trò hết sức nhạy cảm vì bạn cần cân đối giữa việc giải quyết các vấn đề về da mà vẫn đảm bảo được an toàn cho sức khoẻ của bản thân cũng như sự phát triển của em bé. Dưới đây là một số những thành phần có trong sản phẩm chăm sóc da hàng ngày mà bạn cần tránh khi mang thai hoặc cho con bú.

Trước tiên, bạn cần biết điều gì diễn ra trong cơ thể bạn khi thụ thai, mang thai, và giai đoạn cho con bú

Trong các giai đoạn này, làn da phụ nữ thường trở nên cực kỳ nhạy cảm. Thay đổi lượng hoóc môn trong cơ thể kéo theo những thay đổi về kết cấu, đặc tính da, thậm chí cả màu da nữa.

Việc đầu tiên bạn cần phải nghĩ đến trong các giai đoạn này là thay thế các sản phẩm có hoạt chất mạnh bằng các sản phẩm nhẹ nhàng, dịu dàng cho làn da hơn; hình thành một chu trình chăm sóc da mới vì nhiều khả năng chế độ chăm sóc da thông thường không thể mang lại hiệu quả chăm sóc như mong muốn cho da bạn ở giai đoạn này nữa.

Khi bắt đầu mang thai, bạn cần chú ý đến những sản phẩm dưỡng da mình đang sử dụng, thay thế các sản phẩm có tác động mạnh, thành phần hoạt chất nồng độ cao bằng những sản phẩm nhẹ nhàng, an toàn hơn cho bản thân và thai nhi.

Mặc dù da bạn đóng vai trò là một tuyến phòng thủ để ngăn ngừa độc tố xâm hại đến các cơ quan bên trong cơ thể, thì vẫn có rất nhiều chất có khả năng đi xuyên qua da, thẩm thấu vào trong máu, gây ảnh hưởng đến chu kỳ hoóc môn, gây hại cho da, thậm chí gây hại đến quá trình phát triển các cơ quan của thai nhi.

Các thay đổi này có ở tất cả phụ nữ trong quá trình mang thai. Khi đến giai đoạn cho con bú, những gì độc hại có trong cơ thể người mẹ còn có khả năng chuyển sang cơ thể em bé thông qua quá trình cho con bú. Phản ứng thường thấy ở cơ thể trẻ em chống lại các thành phần gây kích ứng là phát ban đỏ trên bề mặt da, gây ngứa ngáy, khó chịu.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bé trong quá trình mang thai và cho con bú, bạn cần cực kỳ cẩn trọng với những sản phẩm bạn dùng trên da, vì nguy cơ độc tính nhỏ nhất vẫn có thể gây phản ứng ở cơ thể bé và có tác động gây hại gấp nhiều lần so với ở cơ thể người mẹ. Các thành phần bạn nên tránh khi mang thai cũng như cho con bú bao gồm:

1. Hydroxy acids và benzoyl peroxide

Những thành phần chống mụn trứng cá cực kỳ hiệu quả này có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, tẩy tế bào chết, kháng viêm và chữa trị mụn nhưng chúng được khuyến cáo là không nên sử dụng trên các làn da nhạy cảm.

Da của phụ nữ mang thai luôn là làn da nhạy cảm nhất trong những làn da nhạy cảm, nên tốt hơn hết là bạn nên tránh xa hai thành phần này cho đến khi da bạn bước vào thời kỳ hồi phục hoàn toàn. BHA, salicylic acid là những tên gọi khác của hydroxy acids để bạn có thể tham khảo.

Khi mang thai, da rất dễ bị nổi mụn do tiết tố thay đổi nên tẩy tế bào chết là bước không thể thiếu.

Nếu bạn muốn tẩy tế bào chết dịu nhẹ cho da, hãy chuyển sang sử dụng AHA (glycolic acid hoặc nhiều dẫn xuất khác) ở nồng độ thấp hoặc lactic acid để thay thế. Nếu da bạn quá nhạy cảm, đừng dùng ở dạng leave-on mà bạn nên rửa đi sau khi bôi chúng từ 5-10 phút trên mặt.

2. Retinoids

Retinoids có khả năng tác động đáng kể lên nhiều vấn đề về da nhưng cũng gây dị dạng ở thai nhi nên bạn hãy tránh xa thành phần này khi bắt đầu có ý định thụ thai.

Retinoids là thành phần có khả năng “thần thánh” nhất trong tất cả những hoạt chất trị mụn. Tuy nhiên, trước đây, chất này chỉ được sử dụng dưới sự cho phép của bác sĩ. Ngày nay, retinoids được phát triển thành nhiều công thức dễ chịu hơn cho làn da nên bắt đầu được sử dụng rộng rãi.

Mặc dù công dụng cực kỳ hiệu quả, retinoids ở tất cả các dạng đều có khả năng gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi (dị dạng hoặc biến đổi cấu trúc gen bên trong) nên chất này là thành phần đầu bảng cần phải tránh xa kể cả khi bạn đang có ý định thụ thai và tuyệt đối không sử dụng cho đến lúc bạn cai sữa thành công cho em bé.

3. Tinh dầu (essential oils)

Tinh dầu là một sản phẩm dùng trị liệu dưới nhiều hình thức (phổ biến là aromatherapy) có nồng độ cao được chiết xuất từ thực vật. Bản thân tinh dầu khi dùng trực tiếp trên da trong điều kiện thông thường đã có một khả năng gây kích ứng da cực kỳ cao. Nên trong quá trình mang thai, bạn nên tránh dùng tinh dầu dưới mọi hình thức (dùng trực tiếp hay dùng dưới dạng sản phẩm có thành phần tinh dầu).

Trong quá trình mang thai, một số loại tinh dầu có mùi hương nồng như cumin, thì là, oregano, hương thảo (rosemary), cỏ xạ hương (thyme) còn có khả năng gây ra những cơn co thắt cơ đột ngột trong cơ thể.

Tinh dầu rosemary được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc cho ngôi nhà của bạn lại có khả năng gây co thắt cơ đột ngột trong lúc mang thai.

Nếu bạn vẫn muốn dùng tinh dầu để thư giãn, hãy chọn các thành phần có hương dịu nhẹ hơn như bạch đàn (eucalyptus), phong lữ (geranium), hoặc hoa ngọc lan tây (ylang ylang), bạn có thể pha loãng với các dung môi khác như dầu dừa, dầu hạt nho hoặc dầu hạnh nhân ngọt để làm giảm nồng độ tinh dầu.

4. Kem chống nắng hoá học

Mặc dù kem chống nắng không phải là một mối đe doạ lớn trong thời kỳ mang thai, bạn cũng nên lựa chọn những sản phẩm chống nắng vật lý với thành phần tự nhiên hoặc zinc oxide thay vì dùng các kem chống nắng hoá học có khả năng thẩm thấu qua da.

5. Thuốc nhuộm tóc

Hiện nay, chưa có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng minh rằng thuốc nhuộm tóc gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi và em bé. Tuy nhiên, các bà mẹ nên hạn chế sử dụng thuốc nhuộm tóc ở những tháng cuối thai kỳ vì lúc này em bé đã lớn, chúng ta nên cố gắng giảm thiểu tác động có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bản thân cũng như của bé.

Thuốc nhuộm tóc, dù chưa có bằng chứng cụ thể, có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến bạn và thai nhi trong quá trình mang thai.

Mùi thuốc nhuộm tóc cũng không hề tốt cho bạn một chút nào, thực tế là nó còn có khả năng gây ngộ độc cho một số người. Nên nếu bạn thích nhuộm tóc và không lo lắng đến sự an toàn quá nhiều, ít nhất cũng hãy chọn những nơi có không khí lưu thông tốt để tránh bị ngộ độc do mùi thuốc nhuộm tóc và tránh nhuộm phần gốc để giảm tối đa khả năng thuốc nhuộm thấm vào chân tóc, đi sâu vào cơ thể chúng ta.

6. Thuốc nhuộm da

Nhiều phụ nữ thích sở hữu một làn da rám nắng khoẻ mạnh và thường nhuộm da bằng các chất hoá học. Trong thực tế, dihydroxyacetone không độc cũng như không thấm vào da nên bạn có thể yên tâm sử dụng trong lúc mang thai. Nhưng đến thời kỳ cho con bú, em bé tiếp xúc trực tiếp rất nhiều với da của bạn. Lúc này, khả năng dihydroxyacetone đi vào đường tiêu hoá của bé và có khả năng gây ra ngộ độc, cũng như thấm vào máu gây hại cho sự phát triển của tế bào cũng như các cơ quan trong cơ thể bé.

7. Botox

Hạn chế tiêm botox trong khi mang thai để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bé.

Botox được chứng minh là cực kỳ an toàn khi tiêm trên da nhưng quá trình botox được đào thải ra khỏi cơ thể vẫn còn đang được nghiên cứu. Vì vậy, nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp khuyên chúng ta nên tạm ngừng sử dụng botox khi mang thai và cho con bú để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

8. Sơn móng tay, móng chân

Có hai lí do để bạn ngừng sử dụng tạm thời sơn móng tay, móng chân trong thời kỳ mang thai. Lí do thứ nhất là bởi vì trong giai đoạn này cơ thể chúng ta cực kỳ nhạy cảm, mà mùi sơn thì không hề dễ chịu chút nào. Đôi khi mùi này có thể gây ra chóng mặt, nôn ói, khó chịu cho phụ nữ mang thai.

Lí do thứ hai là trước khi dùng sơn, bạn cần phải làm sạch các vết da chai, giũa, cắt tỉa móng thành hình. Khả năng bạn gây ra vết thương hở trên da khá cao mà phụ nữ mang thai lại có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn hẳn người bình thường. Nên vì lí do an toàn, bạn nên tạm ngừng việc này lại cho đến khi sinh xong.

Hình thành một chu trình chăm sóc da mới phù hợp với tình trạng hiện tại của bản thân

Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, thời kỳ mang thai và cho con bú là thời kỳ cơ thể phụ nữ có nhiều biến đổi về lượng hoóc môn, gây ra nhiều thay đổi tâm sinh lý nói chung và da dẻ nói riêng. Vì thế, một chu trình chăm sóc da mới với những sản phẩm phù hợp là một việc bạn nên đầu tư thời gian cũng như tiền bạc.

Các sản phẩm không có mùi, không chất tạo màu, không có khả năng gây kích ứng luôn là sự lựa chọn tốt cho bạn. Bên cạnh đó, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào trên cơ thể, bạn nên chia sẻ với bác sĩ khám thai trực tiếp của bạn cũng như bác sĩ da liễu để có cách xử trí phù hợp, không gây hậu quả nghiêm trọng về sau.

Nụ cười là liều thuốc tốt nhất bạn có thể dành tặng cho bản thân và bé để cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Mang thai là một quá trình hạnh phúc nhưng cũng rất khó khăn đối với phụ nữ, bài viết này hi vọng bạn có thêm nhiều thông tin để chuẩn bị tốt nhất cho sự thay đổi lớn trong cuộc sống này. Ngoài ra, bạn cũng đừng bao giờ quên, một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, lành mạnh, cân bằng; một lối sống khoa học, hợp lý; bên cạnh việc duy trì các thói quen tốt như tập thể dục nhẹ nhàng, gặp gỡ bạn bè, trò chuyện để luôn giữ tâm trạng vui vẻ, thư giãn, hạnh phúc và cười thật nhiều chính là liều thuốc tốt nhất để bạn vượt qua được những thay đổi không mong muốn bên trong cơ thể trong quá trình mang thai.