8 SỰ THẬT VỀ MỤN TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN BỎ QUA

Mụn là vấn đề về da phổ biến nhất trên thế giới. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 50 triệu người phải chịu các tác động do mụn gây ra. Phần lớn mọi người bị mụn trong giai đoạn từ 12-24 tuổi, tuy vậy, mụn vẫn có thể kéo dài hoặc bùng phát ồ ạt trong bất kỳ giai đoạn nào và thậm chí mụn còn là vấn đề dai dẳng khó chữa trị ở tuổi trưởng thành của một số người.
Nguyên nhân gây ra mụn rất đa dạng và không ổn định. Nhìn chung, bất kỳ một điều gì ở xung quanh bạn cũng có thể khiến cho cơ thể hình thành mụn như một dấu hiệu. Vậy làm thế nào để bạn có thông tin chính xác về tình trạng của mình cũng như cách xử trí? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để được cung cấp một số những kiến thức cơ bản về mụn, và sau đó bạn có thể đến gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác tình trạng của bản thân cũng như có phác đồ điều trị thích hợp.
1. Rosacea (chứng đỏ mặt) và mụn khá giống nhau và thường gây ra nhiều nhầm lẫn, nhưng thực tế chúng hoàn toàn khác nhau
Bệnh rosacea (hay còn gọi là chứng đỏ mặt) là một bệnh lý về da liễu khá phổ biến. Bệnh này gây nên tình trạng mẩn đỏ ở mặt và thường tạo ra những mảng, vết màu đỏ, thậm chí còn xuất hiện mụn đỏ hay mụn mủ ở dạng này. Chứng rosacea khiến cho da trở nên đỏ ửng ở các vùng mũi, cằm, má và trán. Lâu ngày, da sẽ trở nên đỏ nhiều hơn và các mạch máu cũng trở nên dễ nhìn thấy trên bề mặt da hơn.

Cả mụn trứng cá và rosacea đều được hình thành bởi phản ứng viêm da cơ bản. Thông thường với phản ứng viêm này, chúng ta có thể đối phó bằng các thành phần chống viêm như sulfate. Tuy vậy, bạn cần phải xác định được chính xác tình trạng hiện tại của da bạn. Vì mụn trứng cá và rosacea có cùng một nguyên nhân nhưng lại gây nhiều ảnh hưởng khác nhau đối với da bạn.
Rosacea gây đỏ ở vùng trung tâm nhiều hơn, mụn nước do rosacea thường xuất hiện vòng quanh khu vực mũi, rồi lan dần với tần suất thấp hơn sang những khu vực xung quanh. Rosacea không thể được điều trị bởi benzoyl peroxide giống như cách bạn làm với mụn trứng cá. Chất này không chỉ không có tác dụng gì mà còn làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, thậm chí gây ra thương tổn vĩnh viễn trên da.
Vì thế, nếu da mặt bạn bị đỏ, nhất là ở khu vực trung tâm như mũi, gò má, da bạn có nhiều vết mẩn, mụn nước mà bạn không thể xác định chính xác được đó có phải là mụn trứng cá hay không thì tốt hơn hết bạn nên đi đến bác sĩ da liễu. Những cố gắng tự chữa trị tại nhà của bạn nếu như bạn chưa hiểu rõ tình trạng bạn đang gặp phải có thể mang đến nhiều hệ quả nghiêm trọng về sau.
2. Ánh sáng xanh (blue light) có khả năng hỗ trợ điều trị mụn trứng cá
Liệu trình điều trị sử dụng đèn LED (light emitting diode) là một dạng trị liệu sử dụng năng lượng ánh sáng để thâm nhập sâu vào dưới da, gây ra các phản ứng khác nhau nhằm tác động đến những vấn đề da khác nhau mà bệnh nhân gặp phải. Một số những tác dụng cơ bản của phương pháp trị liệu này là giúp trẻ hoá làn da, sửa chữa các mô tế bào, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương... Năng lượng từ ánh sáng, đặc biệt là từ ánh sáng xanh (blue light) có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn, kháng viêm và còn có khả năng kích thích sản sinh collagen. Tất cả những tác động này đều rất có lợi cho những người đang phải vật lộn với tình trạng mụn trứng cá dai dẳng.

Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các liệu trình điều trị khác, bạn phải biết cách tận dụng ánh sáng cho phù hợp. Liệu trình này không thể thực hiện tại nhà, hoặc tự ý sử dụng các thiết bị phục vụ cho chữa trị mà không có nền tảng kiến thức về y học. Nếu bạn đến các cơ sở làm đẹp, hãy chọn nơi có uy tín, có đầy đủ các chứng nhận hành nghề. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tuân thủ tuyệt đối mọi chỉ dẫn từ người thực hiện. Kể cả sau khi thực hiện trị liệu. Và bạn nên nhớ một điều, nhiều hơn không bao giờ là tốt hơn cả, đôi khi vì mong muốn tác dụng tức thời, bạn chấp nhận làm liệu trình với tần suất quá cận nhau gây kích ứng cho da hoặc thậm chí làm hỏng da với lượng tiếp xúc quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn.
3. Kiểm soát tình trạng mụn sau sinh với các thành phần an toàn cho phụ nữ mang thai
Gia tăng hoóc môn trong khi mang thai có thể là nguyên nhân làm da chúng ta bị tàn phá khủng khiếp. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng mụn trong khi mang thai hoặc mụn sau sinh, hãy tìm đến các công thức được chứng minh là an toàn, điển hình là alpha-hydroxy acid (AHA) hay một số các acid trái cây khác để thực hiện tẩy tế bào chết hoá học, giúp ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông, làm sạch các tạp chất gây mụn có trên da như tế bào da chết...

Trong trường hợp tình trạng mụn của bạn quá nghiêm trọng, đừng tự ý chữa trị bằng bất kỳ thứ gì. Hãy đến gặp bác sĩ da liễu vì giai đoạn này, sự an toàn là điều bạn nhất định phải đặt lên hàng đầu.
4. Ghi lại tất cả thực phẩm bạn ăn trong ngày để tìm ra nguyên nhân gây mụn gián tiếp

Bạn đã biết rằng các nguyên nhân liên quan đến môi trường như khói, bụi, nguồn nước là những thứ trực tiếp gây ra mụn. Nhưng những gì chúng ta ăn vào cơ thể cũng đóng góp một phần vào tình trạng mụn bạn đang chịu đựng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các loại thực phẩm có chỉ số đường hoặc sữa cao có thể là tác nhân gây kích thích mụn trứng cá. Nếu bạn đang bị mụn, hãy loại bỏ dần dần những thực phẩm có chứa lượng đường tinh luyện cao ngất ngưởng ra khỏi chế độ ăn hàng ngày của bạn. (Trà sữa chẳng hạn!)
Đường và sữa là hai nguyên nhân hàng đầu, tuy nhiên, còn hàng tá các thực phẩm khác cũng có thể là tác nhân gây mụn cho bạn: thực phẩm chiên xào, sô cô la, các thực phẩm có tính nhiệt đều có khả năng gây mất cân bằng nội tiết dẫn đến mụn trên da. Bạn hãy làm một quyển nhật ký ghi lại những gì bạn ăn/uống trong hai đến ba tuần, sau đó thay thế những thực phẩm có nguy cơ gây mụn bằng rau xanh, hoa quả, các loại hạt và xem xét mức độ cải thiện của làn da.
5. Lăn kim tại gia (dermaroller) có thể được sử dụng trên da mụn
Dermaroller nổi tiếng với khả năng kích thích sản sinh collagen tự nhiên bên trong cơ thể, giúp giải quyết các vấn đề về sẹo mụn cũng như bề mặt da. Tuy nhiên, dermaroller cũng an toàn khi dùng trên da mụn vì dermaroller tạo một hiệu ứng tẩy da chết nhẹ nhàng trên da, thúc đẩy quá trình tự lành của mụn và ngăn ngừa sẹo mụn sau khi lành.
Mặc dù vậy, đây được xem như là một liệu trình xâm lấn trên da, vì vậy bạn cần phải thật cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm cũng như khi thực hiện. Kích thước đầu kim phù hợp để tự thực hiện tại nhà là 0.5mm, kim được sản xuất bằng thép dùng trong phẫu thuật để tránh bị cong, gãy, nhiễm trùng khi bạn dùng nhiều lần. Bạn cũng nên lưu ý không nên đè mạnh, dùng nhiều lực khi lăn trên da vì có thể gây tổn thương sâu cho da, làm hình thành sẹo lõm rất khó để chữa trị về sau.

6. Kết hợp bổ sung các thành phần thiết yếu bên trong cơ thể thông qua ăn uống và thực phẩm chức năng
Không phải tất cả chúng ta đều thấy thoải mái với các phương pháp trị mụn bằng ánh sáng hay dùng dermaroller để lăn kim. Nếu bạn yêu thích một cách tự nhiên hơn để đối phó với mụn trứng cá, hãy tìm đến các thành phần nicotinamide (một dạng vitamin B3 dễ dàng tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm), kẽm, cũng như điều chỉnh lại toàn bộ chế độ ăn uống hàng ngày của bạn.

Bạn cũng có thể bổ sung viên uống chứa kẽm, B3, phytoestrogen, chất chống ôxy hoá (vitamin C hoặc các thành phần tương tự) để giúp giảm viêm, ngăn ngừa tiết bã nhờn, giảm các dấu hiệu của mụn trứng cá.
Hiệu quả của việc tự chăm sóc này có thể khá rõ rệt nếu bạn chỉ bị mụn trứng cá dạng nhẹ, bên cạnh đó, việc này cũng dễ thực hiện và tự điều chỉnh được theo sở thích cá nhân nên bạn hãy cân nhắc cho bản thân mình nhé.
7. Nếu mụn đột nhiên xuất hiện ngay trước thềm một sự kiện quan trọng trong đời bạn, hãy bình tĩnh vì sẽ luôn có cách
Việc đầu tiên bạn nên làm là sát trùng bề mặt nốt mụn bằng nước muối sinh lý và một miếng bông/gạc ấm. Sau đó, bạn bôi visine và một giọt hydrocortisone (loại không cần kê toa) để làm dịu dấu hiệu sưng đỏ trên bề mặt nốt mụn.
Nếu mụn của bạn ở dạng sâu, có nang, bạn có thể đến bệnh viện để thực hiện tiêm cortisone vào nốt mụn để làm xẹp tức thì. Hoặc đơn giản hơn, bạn chỉ cần dùng một miếng dán trị mụn che lại vết sưng mụn đó, rồi trang điểm chồng lên miếng băng keo ấy là xong.

8. Da mụn cũng cần được tẩy tế bào chết thường xuyên
Bạn đừng nghĩ rằng da mụn đang bị tổn thương thì không được tác động gì đến da nhé. Chính vì lỗ chân lông tắc nghẽn bởi bã nhờn, các tế bào chết, bụi bẩn, nên mụn mới tái diễn thường xuyên, liên tục trên da của bạn.
Nếu đang mắc phải mụn trứng cá, bạn chỉ nên tránh xa các sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý dạng hạt, vì các hạt nhỏ này có thể gây ra vết thương li ti trên da, rồi môi trường nhiều vi khuẩn lại khiến các vết thương này viêm sưng, trở thành mụn. Thay vào đó bạn nên thử các sản phẩm tẩy tế bào chết hoá học có công thức được chế tạo riêng cho da mụn.

Sẹo sau mụn cũng là một vấn đề gây đau khổ cho nhiều người. Để chiến đấu với hậu quả của mụn trứng cá, bạn nên cân nhắc sử dụng sớm các thành phần làm sáng da như vitamin C hay hydroquinone. Bên cạnh đó, AHA, BHA, retinol đều là những thành phần có tính tẩy tế bào chết nhẹ, thúc đẩy sản sinh collagen bù đắp lại tổn thương do mụn, làm giảm dấu hiệu thâm, sẹo mụn trên da đáng kể.